Gửi chị, chị dâu của em.
Cách đây gần 1 năm, khi anh trai em quyết định lấy chị về làm vợ, em đã luôn tâm niệm một điều rằng, mình sẽ có thêm một người chị gái. Một người sống bên cạnh cha mẹ cả đời có thể thay hai em chuyện trò, chăm sóc cha mẹ lúc về già, lúc ốm đau bệnh tật, vì là phận gái em biết rồi cũng có ngày mình đi lấy chồng rời xa cha mẹ.
Nhưng không, giờ đây chị đúng nghĩa là chị dâu trong mắt em. Các cụ bảo “khác máu tanh lòng” quả không sai trong cảm giác của em bây giờ đối với chị.
|
Ngày anh trai dẫn chị về làm vợ, tôi đã vui mừng vì nghĩ có thêm người chị gái. Vậy mà qua 1 năm chung sống, tôi phải thừa nhận một điều đúng với bản chất con người chị: "Khác máu tanh lòng". Ảnh minh họa. |
Ngày chị về làm dâu, bố mẹ thương chị như con đẻ. Đám cưới xong, ai cũng mệt, là em chồng nghĩ về làm dâu nhà nghèo, chị quen sống trong nhung lụa từ nhỏ nên cố gắng gần gũi và giúp chị quen với cuộc sống mới ở gia đình nhà chồng.
Ngày đầu, khi khách khứa ra về, em theo chị vào phòng giúp chị cởi bỏ bộ váy cưới, không quên mang cho chị chai nước khoáng và khăn lau mồ hôi. Vậy mà đáp lại không được một lời cảm ơn hay mỉm cười từ chị.
Buổi chiều, cả gia đình, bố mẹ, mấy chị em tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, chị vẫn ngủ thoải mái trong phòng. Em ý định chạy vào gọi chị dậy làm cùng, mẹ đã ngăn lại bảo: “Để cho chị nghỉ thêm lát nữa, chuẩn bị đám cưới cả tuần mệt quá đó mà”.
Những ngày đó, em vẫn còn nhớ, bố mẹ thương chị như con đẻ. Chẳng bao giờ la mắng chị một câu, chỉ nhẹ nhàng góp ý thôi nhưng chị vẫn tỏ vẻ khó chịu. Đôi khi, em nhỏ to bảo mẹ “Mẹ đừng nói chị ấy nhiều, không sau này con đi làm dâu cũng bị soi đó”.
Hàng ngày, đứa em chồng như em dậy sớm đi chợ, lo bữa sáng cho bố mẹ, còn chị, chưa bao giờ em thấy chị chăm lo cho bố mẹ đến một bữa sáng. Đến nỗi, có lần em mệt nên chị phải đi chợ, chị còn đi lạc cả đường.
Dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc mẹ cũng một tay em và bố lo, vì anh chị bận đi làm. Thế nhưng khi chị về nhà rồi, vẫn vậy, ủy thác hết cho em và bố.
Em có thể chia sẻ hết mọi thứ với chị như chị gái của mình, kể cả đồ em mua mà chưa dùng lần nào, em đều không bao giờ tiếc.
Thế nhưng chị ạ, chị là một người không có trái tim và khối óc cũng không có. Chị keo kẹt, bủn xỉn với em từ thỏi son, cái lược, đến một cái tin nhắn điện thoại trong khi thoải mái “mượn tạm” cái váy mới em mua.
Và việc mà em muốn lên án nhất là mẹ. Mẹ đau nặng, ho quằn quại, đau đớn không nằm được nhưng chị vẫn ung dung nằm trong phòng bấm điện thoại, bất kể anh trai em có nhắc nhở chị bao nhiêu lần.
Bố mệt, hai chị em ngồi đấm bóp cho bố, chị đi về thấy vậy cũng không hỏi một câu bố bị đau làm sao, bố đã uống thuốc chưa.
Đến khi em lên tiếng, chị cũng chỉ hỏi han, quan tâm cho có lệ. Có lẽ chị quen được cưng chiều từ nhỏ nên không biết quan tâm đến người xung quanh? Hay bố mẹ chị quên giáo dục chị điều cơ bản này? Dù bất cứ lý do gì, em cũng không thể nào đặt niềm tin mong chị sẽ chăm sóc bố mẹ sau này nữa.
Chị sống giả tạo quá nhưng làm sao qua mắt được những người có kinh nghiệm sống bao năm như bố mẹ. Thế nhưng, bố mẹ vẫn im lặng, nói chị còn dại nên mới như thế. 26 tuổi, cái tuổi còn khờ dại quá chị nhỉ?
Có lần, mẹ góp ý về cách bố trí giờ giấc sinh hoạt, chị đã lớn tiềng cãi lại: “Mẹ thì có làm được việc gì đâu mà góp ý chứ”. Mẹ giận lắm nhưng chỉ nhẹ nhàng bảo: “Con xem một ngày con làm được những việc gì và đã làm đúng nhiệm vụ của một người con trong gia đình chưa?” Lúc đó chị mới im lặng bỏ lên phòng.
Cứ mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau là chị lại làm ầm lên, gọi điện cho hết bố mẹ đẻ đến cả những người chú bác trong họ hàng mà không biết nghĩ đến lòng tự trọng của bản thân.
Đáng nhẽ ra, việc của hai vợ chồng đơn giản phải tự giải quyết với nhau, đến mức quá đáng lắm thì mới ngồi họp gia đình. Chị không biết rằng, mỗi lần như thế, mẹ lại mất ngủ vì lo nghĩ, bố lại lắc đầu ngán ngẩm về tương lai gia đình mình.
Mọi chuyện rồi cũng sẽ được dung hòa cho đến hôm qua thì em không thể chịu nổi nữa rồi. Hai vợ chồng lại cãi nhau, anh trai em tát chị vì chị quá hỗn. Chị nhắn tin với chồng mà xưng mày tao, trong khi bố mẹ em chưa hiểu chuyện gì xảy ra giữa hai vợ chồng thì chị gọi điện cho bố mẹ đẻ, cố tình mở loa thật to rằng: “Thằng T. đánh con, mẹ lên đây đi, ông bà đó không giải quyết” rồi một mực đòi ly hôn.
Chị à, gắn kết với nhau thì khó chứ muốn rã đám thì dễ lắm. Đàn bà mà cứ mở miệng ra đòi ly hôn, rồi còn luôn miệng dọa với bố mẹ chồng sẽ ly hôn thì em đến chịu chị rồi.
Đồng ý anh trai em là đàn ông mà đánh chị là sai, quá sai. Nhưng giá như, dù có chuyện gì, chị bình tĩnh mà đừng xưng hô “mày-tao”như thế với chồng thì chuyện không đến nỗi.
Đến bây giờ, chị đã bỏ về nhà mẹ đẻ 2 ngày nhưng không có một lời nói nào với bố mẹ chồng. Hôm đó, chị cứ xồng xộc thu dọn đồ rồi lấy xe bỏ đi không một lời chào, để bố mẹ đứng ngoài hiên rơi nước mắt. Chẳng bố mẹ nào mong con tan vỡ cả.
Trong khi đó, mẹ đã nằm viện trước hôm ấy 3 ngày nhưng chị chưa một lần ghé qua và cũng chẳng hỏi han mẹ bị ốm ra sao. Đúng hôm mẹ về nhà tắm rửa thì lại gặp cảnh đau lòng đó.
Ly hôn thì gia đình sẽ mang tiếng lắm chị ạ. Nhưng không có còn hơn kiểu có mà như không. Con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất của người làm cha làm mẹ.
Hy vọng chị đọc được những dòng này. Chào chị.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin