Một mình với chiếc xe dã ngoại sản xuất từ thời “thượng cổ” cùng chú chó nhỏ làm bạn đường, đói ăn khát uống, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của nước Mỹ, Ron Montesi đã chọn cuộc sống như vậy hơn một năm nay.
Người đàn ông gần 70 tuổi chỉ là một trong số vài triệu người Mỹ đang cư trú dài hạn trên loại xe dã ngoại được thiết kế chẳng khác một căn hộ di động với đầy đủ tiện nghi. Lý do thì có nhiều, người đam mê du lịch, người thích cuộc sống tự do không ràng buộc, người chỉ đơn giản là không đủ tiền mua nhà… nhưng Ron chọn cuộc sống “du canh, du cư” chỉ vì… không ưa hàng xóm. Ông bảo trên đời này lắm hàng xóm phức tạp, lộn xộn, có người còn điên rồ nữa, thà đi quách cho nhẹ nợ.
|
Ron Montesi. |
Muốn bỏ nhà “đi bụi” từ lâu nhưng phải đến sau khi nghỉ hưu, Ron mới thực hiện được ý định. Xin được chiếc xe dã ngoại đời đầu của một người bạn, có lẽ xuất xưởng vào những năm 1970, Ron bỏ ra cả 7 tháng trời ròng rã, hì hục sửa lại máy, đại tu nội thất, trang bị đủ cả giường ngủ, buồng tắm, tủ lạnh, bếp… Xong xuôi, ông bán hết nhà cửa, nhượng lại doanh nghiệp đang làm ăn khá phát đạt để cùng chú chó có tên Mally lên đường, mong thoát khỏi những “kẻ hàng xóm đáng ghét”.
Chỉ trong vài tháng, Ron đã đi được gần 10.000 km ngang dọc nước Mỹ, gấp 6 lần quãng đường Hà Nội - Sài Gòn. Ngày đi, đêm nghỉ, có khi đêm đi, ngày nghỉ, sa mạc đã vượt, núi cao cũng đã qua. Không đỗ được trong thành phố vì xe quá khổ, dễ dính vé phạt nhưng Ron có thể tá túc tại bất kỳ bãi đỗ xe ngoài trời nào của các trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, hay sang hơn là những bãi dành riêng cho xe dã ngoại kèm theo các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, giặt là, xả nước thải… với chi phí khoảng 15 USD/ngày hoặc 300 USD/tháng, có nơi còn cung cấp cả phòng tập thể dục.
Với nhiều người Mỹ, sống trên xe dã ngoại là sự lựa chọn tối ưu so với sở hữu một căn nhà. Thứ nhất, không phải ngay ngáy chuyện trả nợ tiền vay ngân hàng mua nhà. Thứ hai, tiết kiệm được tiền thuế đất, chi phí thuê nhân công cắt cỏ, dọn vườn, phí bảo hiểm tài sản, bảo trì nhà cửa… có khi lên tới cả chục nghìn USD/năm, bằng tiền mua một chiếc xe dã ngoại đã qua sử dụng. Thứ ba, có thể đi bất cứ đâu, sống tại bất kỳ nơi nào tùy thích mà không cần phải tính đến chuyện nhà cửa hay lập kế hoạch trước cả tháng trời. Thứ tư, luôn có cơ hội tiếp xúc với những nền văn hóa mới, những cộng đồng mới. Và cuối cùng, giống như Ron, chẳng bao giờ sợ bị hàng xóm làm phiền.
Nhưng nói gì thì nói, những ai yêu thích cuộc sống này ít nhiều đều phải có tích lũy tài chính, chủ yếu là những người có tuổi, sống bằng lương hưu hoặc tiền gửi tiết kiệm, nếu không thì phải là những người sẵn sàng làm bất cứ công việc gì tại bất cứ đâu để có tiền phục vụ niềm đam mê của mình.
Sống định cư trên xe, tiện lợi cũng nhiều nhưng phiền phức cũng không ít. Ngoài sự cô đơn, nhàm chán, rủi ro an ninh, ít bạn bè thân thiết, chủ xe còn phải tự mình xử lý hết mọi việc, từ nấu nướng, giặt giũ, rồi phải biết cả sửa xe, sửa đồ điện tử, đồ gia dụng vì bên Mỹ tiền công thuê thợ có khi còn cao hơn cả tiền mua đồ mới. Trên xe của Ron có nguyên một tủ dụng cụ sửa chữa và lúc nào cũng sẵn đồ thay thế. Ông thủng thẳng: “Đó là cả một thử thách lớn đấy. Nhưng đời mà không có thử thách thì còn gì là đời nữa”.
Ron đã ly hôn, con cháu đầy đàn, ai cũng đều công ăn việc làm tử tế. Hỏi gia đình ông nói sao khi một ông già thất thập cứ một mình lang bạt quanh năm ngày tháng, Ron chỉ phẩy tay, bảo “chúng nó có cuộc sống của chúng nó, tôi có cuộc sống của tôi. Không ai làm phiền đến ai, thế là vui rồi”.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTV):
Theo VOV News