“Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”
Có một vấn đề gây sự chú ý của không ít người xung quanh câu chuyện ly hôn của cặp vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đó là lời lẽ nặng nề của hai người dành cho nhau ở phiên tòa. Thật khó hình dung những người từng đầu ấp tay gối, đấu cật chung lưng để gây dựng cơ đồ lại buông ra những lời lẽ “sắc nhọn” với đối phương như vậy. Nghĩa tào khang bỗng chốc hóa câu hỏi lửng lơ cho những người theo dõi câu chuyện của họ.
|
Những câu nói của vợ chồng nhà Trung Nguyên tại tòa đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa cho quãng thời gian hạnh phúc của họ. |
Nếu có cơ hội chứng kiến những cuộc tòa ly hôn thì hẳn sẽ dễ nhận thấy những màn “đấu tố” nhau của các cặp vợ chồng. Rất nhiều cặp đôi cũng đã từng có cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc nhưng khi rạn nứt họ đã có những lời lẽ xúc phạm nhau, đấu tố những “cái xấu” của nhau để “biện minh” cho những nguyên nhân dẫn tới cái kết hai người phải đứng với nhau trước tòa ly hôn.
Câu chuyện về cuộc ly hôn giữa diễn viên Lê Phương và Quách Ngọc Ngoan cũng tương tự vậy. Kết hôn vào tháng 3/2012 và chỉ sau hai năm gắn bó họ đã ly hôn và Lê Phương nhận quyền nuôi con trai Cà Pháo. Trong khoảng thời gian hôn nhân lục đục cho đến khi chính thức chia tay, cặp đôi đã khiến dư luận và truyền thông “dậy sóng” bởi những “khẩu chiến” trên mạng xã hội của hai người. Lê Phương nhiều lần tố Quách Ngọc Ngoan là người bạc bẽo, không chăm sóc vợ con, nợ nần, tham lam vật chất. Còn nam diễn viên cũng không ngần ngại dùng lời lẽ gay gắt để công kích vợ cũ.
“Buông” khi không còn duyên nợ
Theo các chuyên gia tâm lý, sở dĩ các cặp chồng/vợ thường xúc phạm nhau, thậm chí là coi nhau như kẻ thù khi ly hôn vì đó là hai cực đối lập của tình cảm con người “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Cuộc hôn nhân của họ đã rạn nứt từ thời còn trẻ và lẽ ra vợ chồng chia tay lúc ấy, nhưng vì nhiều lý do họ tiếp tục chịu đựng. Đến khi không còn chịu được nữa, tình yêu thành thù hận.
Nếu như trước đây họ chỉ nhìn thấy mặt tốt của nhau, sẵn sàng bảo vệ nhau bằng mọi cách, thì giờ đây họ chỉ chăm chăm nhìn vào mặt xấu của đối phương và sẵn sàng hạ bệ nhau bằng mọi giá. Càng yêu nhau tha thiết trước đó bao nhiêu, khi ly hôn họ càng thù ghét bấy nhiêu. Bởi khi đó vỡ mộng, sụp đổ thần tượng dẫn đến bực tức, trút trách nhiệm vào nhau. Hôn nhân đổ vỡ chắc chắn lỗi từ hai phía nhưng chẳng ai chịu thừa nhận lỗi.
Sau mỗi cuộc ly hôn ồn ào khi đã xảy ra tranh chấp trước tòa, dù cặp vợ chồng không ai để ý cho đến những cặp vợ chồng nổi tiếng chắc chắn có sự tổn thương nhất định của người trong cuộc, đó chính là vợ/ chồng. Và chắc hẳn nếu ngồi nghĩ lại họ cũng chẳng bao giờ mong muốn xảy ra những “đấu tố” trong lúc nóng giận.
Dù có như thế nào thì khi vợ chồng ra tòa ly hôn cũng nên giữ thể diện cho nhau. Hết tình thì vẫn còn nghĩa, còn "giọt máu" chung vẫn cần sự yêu thương, chỉ bảo của cả cha và mẹ. Tổn thương nhất vẫn là những đứa con. Dù họ là ai, trong mắt con cái bố mẹ vẫn là người gần gũi, tình cảm và tin cậy nhất. Nếu như những lời nói ném vào mặt nhau lúc ra tòa chỉ nhằm mục tiêu ly hôn được người kia, con cái sẽ lấy hình ảnh nào mà tin tưởng, chỗ dựa tinh thần đây?
Chuyên viên tham vấn tâm lý, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, những người có tâm từ bi, yêu thương biết người này không còn duyện nợ với mình nữa, thấy cuộc hôn nhân này không còn tiếp tục được nữa và nếu tiếp tục sẽ làm khổ cả hai và con cái, họ sẽ ra tòa ly hôn. Họ lựa chọn buông cuộc hôn nhân ấy mà không cay nghiệt với nhau, đối xử với nhau có văn hóa trong ly hôn và đưa ra những thỏa thuận có lợi nhất cho con của họ, chứ họ không còn nghĩ đến cái tôi nữa. Còn người khi cái tôi còn đang lớn, tổn thương quá nhiều và không kiểm soát bản thân sẽ có những hành xử cay nghiệt trước những người khác. Người nào cũng chỉ nhìn thấy cái xấu của nhau, cái sai của nhau mà không nhận ra lỗi của chính mình.
Theo Phương Thuận/Giadinh.net