Vừa qua, Zing đã có thông tin phản ánh về việc thị trường thuốc Tamiflu điều trị cúm có sự biến động mạnh về giá. Khi số ca mắc cúm có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, loại thuốc được nhiều người tìm mua, trở nên khan hiếm và bị đội giá lên cao gấp nhiều lần.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã nhanh chóng ban hành văn bản yêu cầu các sở y tế, bệnh viện, đơn vị sản xuất thuốc xây dựng kế hoạch cung ứng đủ thuốc phục vụ người dân, đồng thời nghiêm cấm đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định việc số lượng người dân tự ý mua và sử dụng Tamiflu tăng lên trong thời gian qua thể hiện sự hoang mang trong cộng đồng khi nhiễm cúm và phòng dịch.
Không phải ai cúm cũng cần dùng thuốc
Theo TS Giang, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm như sốt, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng… hoặc xác định đã phơi nhiễm với virus cúm, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và làm xét nghiệm khẳng định.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Không phải tất cả trường hợp mắc cúm đều cần dùng thuốc đặc hiệu kháng virus cúm. Những trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng cao mới được các bác sĩ xem xét điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu nhằm giảm nguy cơ tiến triển xấu”.
Theo ông, tương tự Covid-19 hay đậu mùa khỉ, đa phần bệnh nhân nhiễm cúm đều có thể tự khỏi. Việc điều trị chính chỉ xoay quanh hỗ trợ triệu chứng, giảm khó chịu trong giai đoạn cấp tính cũng như theo dõi phát hiện dấu hiệu nặng.
“Với các trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng, các bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện, kê đơn thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng virus cúm”, TS Giang nói.
Triệu chứng giống nhau nhưng cách điều trị hoàn toàn khác
Theo tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay với sự xuất hiện đồng thời của nhiều loại virus cũng như dịch bệnh khác nhau, chúng ta không thể khẳng định được sự khác biệt.
“Bệnh nhân cúm có nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Một số trường hợp chỉ hắt hơi, sổ mũi thoáng qua. Điều tương tự cũng xảy ra với Covid-19 do đều là virus lây truyền qua đường hô hấp”, vị chuyên gia nói.
TS Thúy khẳng định triệu chứng lâm sàng của các bệnh lý này rất khó phân biệt, không có dấu hiệu nào đặc trưng cho chỉ một bệnh để nhìn vào đó chúng ta có thể dễ dàng phân biệt. Đây đều là các triệu chứng chung và cần tới sự chẩn đoán từ bác sĩ.
Mặt khác, hiện nay, chỉ duy nhất bệnh cúm có thuốc điều trị đặc hiệu là Tamiflu. Tuy nhiên, một số loại virus gây bệnh đường hô hấp khác không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều này đồng nghĩa cách xử lý và điều trị sẽ hoàn toàn khác nhau dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
|
Một thai phụ mắc cúm được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo khi người bệnh có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, gia đình cần đưa ngay tới các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán cụ thể nguyên nhân và nhận sự hỗ trợ phù hợp thay vì tự ý mua thuốc uống.
Theo TS Trần Văn Giang, song song với nguy cơ điều trị sai, một thực tế hiện nay là nguồn cung ứng thuốc Tamiflu ngoài thị trường cũng rất trôi nổi. Việc kiểm soát chất lượng thuốc được bày bán tràn lan cũng là vấn đề nguy hiểm.
“Chúng tôi không khuyến cáo người dân tự ý mua thuốc về sử dụng vì chúng có thể ảnh hưởng tới tinh thần cũng như chất lượng điều trị”, vị chuyên gia nói.
Ngoài ra, ông tái khẳng định, không nhất thiết trường hợp nào mắc cúm cũng cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Thay vào đó, các bệnh nhân cần được kê đơn từ bác sĩ để đảm bảo chất lượng điều trị cũng như theo dõi kịp thời, phát hiện trường hợp nặng.
Trên thực tế, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng cho biết có nhiều người đã nhầm lẫn cúm với Covid-19, từ đó, chủ quan trong quá trình điều trị.
“Dù triệu chứng giống nhau, phác đồ điều trị các bệnh lý này lại rất khác nhau. Một số người mắc cúm nhưng nghĩ mình bị Covid-19, do từng bị rồi, lại đã tiêm vaccine nên cho rằng sẽ không có nguy cơ gì”, BS Ninh nói.
Lưu ý gì khi điều trị cúm tại nhà?
Theo TS Trần Văn Giang, với các trường hợp mắc cúm A được kê đơn, theo dõi và điều trị tại nhà, bác sĩ sẽ luôn dặn dò người bệnh một số vấn đề:
Đảm bảo cách ly, tránh lây nhiễm virus cúm cho người khác
Thường xuyên đeo khẩu trang, che chắn khi ho
Sát khuẩn tay, vật dụng xung quanh
Đảm bảo uống thuốc theo đơn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
Theo dõi các dấu hiệu diễn biến nặng như tức ngực, khó thở, ý thức suy giảm, giảm nồng độ oxy trong máu (SpO2)
Ông nhấn mạnh: “Những bệnh nhân cúm sẽ luôn được các bác sĩ khuyến cáo để làm sao quay lại khám và điều trị bất kể lúc nào, tránh tình trạng có dấu hiệu nặng nhưng vẫn đúng lịch hẹn mới quay lại khám”.
|
Bệnh nhân cúm khi điều trị tại nhà cần lưu tâm những dấu hiệu diễn biến nặng. Ảnh minh họa: engin_akyurt.
|
Cụ thể hơn, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết có 2 vấn đề khi bệnh nhân cúm điều trị tại nhà.
Vấn đề đầu tiên là thuốc. Theo bác sĩ Hưng, các bệnh nhân được theo dõi tại nhà thường ở thể nhẹ, không có yếu tố nguy cơ và sẽ điều trị theo đơn của bác sĩ. Lúc này, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt tùy tình trạng sốt.
“Thuốc hạ sốt được kê thường là paracetamol. Bệnh nhân sẽ uống và theo dõi sức khỏe tùy tình trạng. Thông thường, nếu không sốt trên 38,5 độ C, bệnh nhân sẽ không cần dùng đến thuốc hạ sốt”, vị chuyên gia nói.
Vấn đề thứ 2 là bù nước và điện giải. Những bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan tiểu đường, tim mạch, buộc phải hạn chế các loại đường, có thể bù nước, điện giải bằng oresol. Trong khi đó, với những trường hợp khỏe mạnh, không có bệnh nền, người bệnh có thể sử dụng thêm nước hoa quả.
Bác sĩ Hưng lưu ý: “Tất cả bệnh nhân cúm A sẽ được theo dõi liên tục khi điều trị tại nhà. Nếu sốt cao liên tục, không cắt được sốt, mệt mỏi, không ăn được hay xuất hiện các triệu chứng như ho, đờm nhiều, rối loạn ý thức, tiêu chảy kèm các biến chứng khác, bệnh nhân sẽ cần nhập viện điều trị”.
Theo Quốc Toàn/Zing