Mặc dù BV Ung bướu cơ sở 1 đã chuyển sang cơ sở mới nhưng “cò” tại cơ sở cũ vẫn còn hoạt động (theo kết quả kiểm tra đột xuất một phòng khám tư nhân ở gần cơ sở cũ của BV Ung bướu).
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa triển khai 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật của các phòng khám tư nhân xung quanh khu vực có thông tin phản ánh của báo chí về hiện tượng "cò khám chữa bệnh".
Kết quả kiểm tra cho thấy có 11 phòng khám có dấu hiệu hoạt động của “cò” dẫn dụ người bệnh đến khám chữa bệnh, đó là một phòng khám chuyên khoa Nội (ở gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở cũ) trên địa bàn quận Bình Thạnh, các phòng khám còn lại tuy chưa phát hiện có dấu hiệu “cò”, tuy nhiên các phòng khám đều có các sai phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với “cò” tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo Sở Y tế, nạn “cò” tại các bệnh viện luôn là vấn đề nóng của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố, luôn là thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh, và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng môi trường phục vụ văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Mặc dù ngành y tế và ngành công an đã có nhiều nỗ lực trong sự phối hợp hoạt động để ngăn chặn nạn “cò bệnh viện” nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức để răn đe tệ nạn này tại các bệnh viện.
Tại Hội thảo khoa học Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM ngày 16/12/2022 do Công an TP.HCM và Sở Y tế tổ chức, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đã nhận định “Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT, tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM thời gian qua đã và đang là điều kiện làm nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất ANTT như: trộm cắp,“cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh...”.
Đúng như nhận định này, chỉ trong thời gian ngắn sau đó đã có 2 loạt bài phản ánh về nạn “cò khám chữa bệnh” tại Bệnh viện Mắt và tại phòng khám Medic, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1.
Hiện nay, số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn thành phố đang phục hồi và tăng nhanh trở lại sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát ổn định. Khi số lượt khám tăng cao cũng chính là thời điểm để nạn “cò” lại tái diễn, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người nhất là khu vực đăng ký khám bệnh.
Đồng thời yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để người bệnh cảnh giác với nạn “cò”; và nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng “cò” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện.
Sở Y tế kiến nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với tệ nạn “cò” tại các bệnh viện.
Về lâu dài, ngành Y tế thành phố vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo Thành phố và Bộ Y tế giao phó đó là hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến trước (bao gồm các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố và các bệnh viện tỉnh, thành trong khu vực phía Nam); Ngành Y tế tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và nhất là tăng cường huy động nguồn lực tư nhân tham gia mở thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mới, trong đó nghiên cứu cơ chế phối hợp công – tư với mô hình “chuỗi bệnh viện”, “chuỗi phòng khám” của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối vốn luôn quá tải và là nơi “cò” luôn lợi dụng để hoạt động.
Theo Mỵ Châu/Báo Pháp Luật Việt Nam