Kiểu ăn phổ biến này ngon miệng nhưng cực nguy hiểm cho thận

Google News

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine của Đại học Bonn (Đức) cho biết, chế độ ăn nhiều muối không chỉ khiến bạn gặp rắc rối với bệnh cao huyết áp mà còn cực kỳ hại cho hệ miễn dịch.

Chế độ ăn nhiều muối hại thận và huyết áp thế nào?

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư – tiến sĩ Christian Kurts từ Viện Miễn Dịch thực nghiệm thuộc đại học Bonn đã phát hiện ra cơ chế kích hoạt "cảm biến natri clorua" trong thận con người. Natri Clorua (NaCl) chính là tên hóa học của muối ăn. Cảm biến này giúp thận tăng cường khả năng bài tiết muối dư thừa.

Nhưng cảm biến này cũng gây ra một tác dụng phụ không mong muốn là làm glucocorticoids tích tụ trong cơ thể. Glucocorticoids ức chế chức năng của bạch cầu hạt, một loại tế bào miễn dịch thuộc hàng phổ biến nhất cho máu người. Bạch cầu hạt có công năng chính là tấn công các vi khuẩn nguy hiểm.

Một số tình nguyện viên đã thử chế độ ăn thêm 6 g muối so với cách ăn bình thường của họ, kết quả chỉ sau 1 tuần, hệ miễn dịch của họ đã đối phó với mầm bệnh kém hơn hẳn.

Khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về lượng muối tối đa tiêu thụ hàng ngày là 5 g, nhưng một số nghiên cứu sau này cho thấy khoảng 2 g mới là con số khỏe mạnh nhất.

Trước đó, chế độ ăn của nhiều nước châu Á đã bị coi là quá mặn, trong đó có thể kể đến Trung Quốc với hơn 10g muối/ngày. Tại Việt Nam, kết quả điều tra Quốc gia về Yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm thực hiện năm 2015 cho thấy có tới 90% dân số ăn tới 10 g muối mỗi ngày, tức gấp đôi khuyến nghị của WHO.

Kieu an pho bien nay ngon mieng nhung cuc nguy hiem cho than

Cách giúp bữa ăn ít muối nhưng vẫn đậm đà, ngon miệng

- Chọn thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến ở mức đơn giản, bởi các thực phẩm đóng hộp, đã qua chế biến và đông lạnh thường sử dụng thêm muối. Thay đổi các món ăn mỗi ngày, lựa chọn thực phẩm tươi sống, bổ sung nhiều rau chất xơ.

- Khi đi mua sắm thực phẩm, nên đọc kỹ thông tin ngoài nhãn và chọn các sản phẩm chứa lượng muối nhỏ hơn hoặc bằng lượng calo trên mỗi khẩu phần.

- Cần tránh, giảm ăn một số thực phẩm có hàm lượng muối cao trong chế độ ăn uống hàng ngày như pizza, bánh mì trắng, phô mai chế biến, xúc xích, mì spaghetti với nước sốt, giăm bông, sốt cà chua, bột mì. Nên điều chỉnh tần suất ăn các thực phẩm này, không nên ăn thường xuyên và liên tục, tránh tích lượng muối quá nhiều trong cơ thể.

- Khi ăn ở cửa hàng bên ngoài, hãy chú ý đến hàm lượng muối. Nên cân nhắc khẩu vị và hỏi phục vụ món ăn đó là mặn hay ngọt, có thể yêu cầu món ăn với chế độ ít muối nhất có thể.

- Khi nấu ăn ở nhà, nên sử dụng muối một cách khoa học, không nên cho quá nhiều muối, nên cho mức độ ít. Nếu nhạt có thể bổ sung sau, tránh việc thực phẩm được nấu mặn quá mức.

- Huấn luyện vị giác bằng cách giảm lượng muối mỗi ngày. Bởi thói quen nhiều người thường cho mặn, mỗi ngày tăng thêm một chút khiến cho lượng muối vào cơ thể ngày càng nhiều. Vì vậy, nên điều chỉnh vị giác, để khẩu vị quen với món ăn có mức độ muối ít nhất.

Ngoài ra, chúng ta có thể cân bằng lượng muối trong cơ thể bằng cách:

- Uống nhiều nước: Bổ sung nhiều nước giúp "rửa sạch" lượng muối trong cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

- Đổ mồ hôi: Việc vận động thường xuyên, đổ mồ hôi sẽ giúp cho muối trong cơ thể được loại trừ. Việc tập thể dục thể thao thường xuyên giúp cơ thể săn chắc, khoẻ mạnh, đồng thời giúp loại bỏ một lượng muối nhất định.

 
Theo TA/Gia đình & Xã hội