|
Ảnh minh họa. |
Kính áp tròng là một thiết bị đeo mắt để hiệu chỉnh thị lực, một số người cũng có thể đeo kính áp tròng màu để tăng cường hoặc làm thay đổi màu mắt của họ. Các thấu kính bằng nhựa mỏng được đặt nổi trên màng nước mắt, trực tiếp bên trên giác mạc.
Về cơ bản có ba loại kính áp tròng là mềm, cứng, và thấm khí. Kính áp tròng mềm thường mang lại cho người đeo cảm giác thoải mái hơn nhưng lại dễ bị rách; trong khi loại cứng lại có xu hướng bong ra thường xuyên hơn. Kính áp tròng thấm khí là một sự thỏa hiệp giữa loại cứng và mềm, thoải mái hơn so với kính cứng nhưng ít bị rách như kính mềm.
Kính áp tròng đầu tiên đã được phát minh bởi nhà sinh lý học người Đức Adolf Fick vào năm 1887, được làm bằng thủy tinh, gọi là kính áp tròng scleral, bao phủ cả màng cứng - phần màu trắng của mắt. Từ năm 1912, một bác sĩ nhãn khoa, Carl Zeiss, đã phát triển loại kính áp tròng thủy tinh chỉ gắn vừa đủ vào giác mạc.
Hai nhà khoa học, Obrig và Muller, giới thiệu kính áp tròng scleral nhựa vào năm 1938 và kính áp tròng giác mạc bằng nhựa đầu tiên đã được sáng tạo bởi Kevin Touhy năm 1948. Kính áp tròng giác mạc đầu tiên của Touhy có đường kính 10,5mm và vào năm 1954 Touhy giảm đường kính hơn nữa đến 9,5mm, cho kết quả nhìn tốt hơn.
Năm 1954, với phát minh ra một loại nhựa polymer phù hợp cho cấy ghép mắt, các nhà khoa học Séc ngay lập tức công nhận tiềm năng của loại nhựa mới này như là một loại kính áp tròng hiệu chỉnh thị lực và bắt đầu thử nghiệm trên động vật. Những nỗ lực này ban đầu chỉ nhận được sự khinh miệt bởi các đồng nghiệp trong lĩnh vực quang học.
Tuy nhiên, Otto Wichterle cùng vợ đã kiên trì theo đuổi và tự sản xuất 5.500 cặp kính áp tròng để thử nghiệm vào năm 1961. Thành công của họ cuối cùng đã nhận được sự chú ý của cộng đồng khoa học rộng lớn hơn. Các công ty của Mỹ Bausch & Lomb cấp phép công nghệ và cho ra sản phẩm Softlens vào năm 1971.
Các nguyên liệu cho kính áp tròng là nhựa polyme. Kính áp tròng cứng được làm bằng một số biến thể của Polymethyl methacrylate (PMMA), trong khi kính áp tròng mềm được làm từ một loại polymer chẳng hạn như poly hydroxyethyl methacrylate (pHEMA) có phẩm chất ưa nước, do đó, nó có thể hấp thụ nước và vẫn giữ được hình dạng và chức năng thị giác.
Kính áp tròng có thể được sản xuất bằng cách cắt trên máy tiện, hoặc qua quá trình đúc. Sự hình thành của các mắt kính liên quan đến việc định hình nhựa vào độ cong nhất định. Đường viền môi ngoài sẽ giúp tạo ra sự thay đổi khúc xạ chính xác để phù hợp với nhu cầu thị giác của từng bệnh nhân.
An Khánh (Theo How it’s made)