Làm gì khi con dậy thì,ương bướng khiến cha mẹ 'phát điên'?

Google News

Sau cú tát 'nổ đom đóm mắt', chưa nguôi cơn giận, ông bố lớn tiếng đuổi con ra khỏi nhà. Không nói thêm một lời, thằng bé tức giận bỏ đi luôn khiến cả nhà bị một phen khốn khổ 
 

Lam gi khi con day thi,uong buong khien cha me 'phat dien'?
Con trai tuổi nổi loạn ương bướng, nói hỗn khiến bố mẹ điên đầu.

14 tuổi, con trai chị Hà (Ba Đình, Hà Nội) thay tính, đổi nết. Từ một bé trai ngoan ngoãn, cậu trở nên nổi loạn đến mức bố mẹ, gia đình phải chịu những cú "sốc liên hoàn".

Đi học thì chểnh mảng, ngày nào cũng bị cô giáo nhắn tin đề nghị phụ huynh nhắc nhở. Năm học cuối cấp bậc THCS, chị Hà lo con không vào được trường công lập như ý nên càng thúc ép con học nhiều.  Sợ con trốn học, đi chơi,… chị Hà không dám cho con tự đi học trung tâm với bạn bè mà mời gia sư về nhà để tiện giám sát việc học thêm của con.

“Tôi cố gắng hết sức, hy sinh tất cả cho con nhưng nhận lại là những nỗi buồn, thất vọng. Dẫu biết là tuổi này con đang ẩm ương nhưng không thể tin bọn trẻ giờ hư quá.

Mẹ nói một câu con cãi một câu. Bảo con phải học tử tế sau này còn "kiếm cơm" thì con cãi lại "giỏi đã chắc gì giàu". Nói con đừng chơi với bạn này, bạn kia thì con phản đối rằng mẹ phân biệt, còn lầm bầm mẹ biết gì mà nói”, chị Hà buồn bã kể.

Có lần hai mẹ con to tiếng với nhau, chồng chị hôm đó không kiềm chế được đã lao vào thẳng tay tát con và mắng con. Trong cơn nóng giận, anh đuổi con ra khỏi nhà. Không nói thêm một lời, thằng bé hầm hầm đi luôn trước sự bàng hoàng của cả gia đình.

Sau lần đấy, chị Hà rất vất vả mới đưa được con trở về nhà, nhưng con trai chị đã hoàn toàn thay đổi. Con trở nên lầm lì, không nói không rằng và luôn tìm cách tránh mặt bố.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo – Wegood phân tích trường hợp của chị Hà: "Ở tuổi này, các con gàn dở trong sự hoang mang. Dù cái tôi của con lớn nhưng suy nghĩ còn non nớt vì mới chỉ dừng lại ở sự bắt đầu thực hành để trải nghiệm thực tế.

Nếu con muốn thể hiện thì thay bằng phủ nhận, chê bai, thậm chí quát mắng, cấm đoán..., cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe con để con được giải tỏa sự bí bách muốn thể hiện cho bằng hết cái lối suy nghĩ có thể sai, có thể không giống ai của con.

Không có ai đúng hay ai sai, kể cả cha mẹ hay con cái. Bởi đơn giản nó là suy nghĩ, quan điểm, mong muốn riêng của mỗi người.

Vì vậy, thay bằng bắt con phải nghe, áp con phải làm theo ý mình, cấm con được cãi lệnh, cha mẹ hãy nghe và hãy thấu hiểu con thật nhiều bằng sự bình tĩnh trấn an, bình tĩnh công nhận, bình tĩnh phân tích nhẹ nhàng trong định hướng để con vẫn có cái quyền tự quyết định nhưng trên cơ sở đúng đắn từ chính kinh nghiệm của cha mẹ".

Khi cao trào của cái tôi không được công nhận thì cha mẹ mắng con "nghỉ học đi" là con sẽ có thể nghỉ ngay; hoặc kể cả cha mẹ nào có dại dột nói con "chết đi" thì cũng có những đứa trẻ có thể làm như thế... Những cách nói khiến cho cái đầu của con bị căng ra, dẫn tới bất cần hoặc cam chịu... Cứ như vậy, con có xu hướng muốn bung ra, muốn bùng nổ để thoát hết sự khó chịu đến tột cùng bên trong mà mất phương hướng...
 Cha mẹ trong những hoàn cảnh ấy, hãy cố gắng kiềm chế, nói những câu nói tích cực, tạo động lực và tin vào con kể cả con có đang sai.

Bởi vì, dù bằng cách nào mà bố mẹ dạy bảo hay tương tác tiêu cực với con thì cũng là sự va đập rất mạnh vào trí não, tiềm thức của trẻ, khiến chúng tự tạo cho bản thân sự gai góc, bất cần và phòng thủ.  Từ ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói.... của các con luôn hiện hữu như vậy.

“Thương con không ai bằng cha mẹ, hy sinh vì con cũng không ai bằng cha mẹ Nhưng vô tình thôi, cha mẹ chưa nghĩ rằng các con của chúng ta dù gì cũng chỉ là những đứa trẻ và chúng đang từng ngày phải trải nghiệm cuộc sống. Có sai thì mới biết đúng nên phải rút kinh nghiệm, phải khắc phục”, chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.

Thay vì sốt ruột, cáu gắt, chửi mắng, bố mẹ hãy bình tĩnh, trấn an, động viên, kiên trì và khích lệ con dù con mắc lỗi. Chuyên gia Phạm Hiền tin rằng, các con không thể không tích cực hơn bởi bản năng hướng thiện vốn dĩ luôn tồn tại trong con người.

Bà Hiền lưu ý thêm, cha mẹ đừng quên việc phải cảm nhận con yếu gì, thiếu gì, cần gì để phát triển tốt nhất mà đón đầu giúp con, chứ nếu "hỏng mới sửa" thì dù có sửa được cũng không thể như trước.

“Tuổi này hãy để con là một người đang trưởng thành và học để trưởng thành tốt nhất. Bố mẹ đừng bắt con là đứa trẻ cứ mãi phải bé bỏng trong vòng tay của cha mẹ.

Ở tuổi “dở ương” này, các bố mẹ nên dạy con bằng tư duy chứ không thể bằng hành vi.

Theo đó, bố mẹ không chửi mắng, chì chiết, tuyệt đối không so sánh, chê bai con với bạn bè; không áp đặt, ra lệnh; không đáp ứng tự do; không hứa rồi để đó không làm; không làm hộ, ra quyết định hộ, nhưng cũng không nên nịnh nọt vuốt ve…

Và đặc biệt, bố mẹ phải chú ý đến con, đừng chủ quan trước các bất ổn tâm lý nếu con có rối loạn lo âu, căng thẳng trong bất lực; cam chịu trong chấp nhận cực đoan; nuôi dưỡng trầm cảm khi cái tôi vượt ngưỡng cực đoan. Những việc đó có thể dẫn tới tai họa khôn lường", bà Hiền chia sẻ.

Theo Huyền Anh/ Infonet.vietnamnet