Năm 17 tuổi, khi còn ở Gò Công (Tiền Giang), mỗi ngày đi học về, ông Nguyễn Văn Yến (nay 56 tuổi, Trưởng ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) luôn gặp cô gái Nguyễn Thị Kim Loan (nay đã 54 tuổi) trên con đường làng.
Điều khiến ông Yến tò mò là con đường này không hề đi ngang qua nhà bà Loan. Một lần, thấy bà đi đối diện, ông dừng lại hỏi nguyên nhân.
Bà Loan chỉ nở nụ cười bẽn lẽn rồi lặng lẽ rời đi. Dẫu vậy, nụ cười của bà khiến ông Yến ấn tượng, quyết tâm làm quen.
|
Vợ chồng ông Yến, bà Loan tại chương trình Tình trăm năm. Ảnh chụp lại từ chương trình |
Hôm sau, khi gặp lại, ông tiếp tục hỏi và được biết bà đang trên đường đem cơm đến chỗ làm cho bố. Ấn tượng với cô gái có nước da trắng hồng cùng ánh mắt biết nói, sau ít hôm làm quen, ông Yến mạnh dạn mời bà đi ăn chè.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 192, bà Loan kể: “Ban đầu, tôi không có ấn tượng gì với ông ấy. Nhưng sau nhiều lần quen biết, tôi dần có cảm tình với ông nhưng vẫn còn ngại ngùng.
Mỗi lần được ông ấy mời đi ăn chè, tôi đều dẫn theo rất nhiều người. Sau này, khi có cảm tình với ông, tôi giảm dần số người đi theo. Khi yêu rồi thì chỉ có tôi và ông ấy đi thôi”.
Sau nhiều lần đãi chè đến cháy túi, ông Yến quyết định tỏ tình với bà Loan. Lần đầu biết yêu nên khi được bạn trai tỏ tình, bà Loan vừa hạnh phúc vừa hồi hộp đến run cả tay chân.
Dẫu vậy, khi tình yêu đang lúc thăng hoa, ông Yến vấp phải sự cản trở của gia đình. Bố mẹ ông không đồng ý cho con trai quen biết bà Loan vì không hợp tuổi.
Thời điểm ấy, bố mẹ ông Yến đặc biệt tin tưởng, chú trọng việc chọn tuổi để cưới vợ cho con trai. Cả hai đã chọn được tuổi phù hợp và buộc ông phải cưới cô gái có tuổi như mình đã chọn.
Để ngăn cản tình cảm của con trai với bà Loan, bố mẹ ông Yến liên tục ép ông đi xem mắt 3 lần với 3 cô gái mà ông chưa từng quen biết. Nhằm thoát khỏi viễn cảnh phải cưới người mình không yêu, ông Yến viết đơn tình nguyện đi bộ đội.
Biết tin gia đình người yêu không chấp nhận mình, ép ông Yến đi xem mắt nhiều cô gái, bà Loan vừa buồn vừa lo. Dẫu vậy, bà vẫn hy vọng, tin tưởng vào tình yêu của ông dành cho mình.
|
Trong thời gian đi bộ đội, ông Yến nhiều lần về thăm gia đình và bà Loan. Ảnh chụp lại từ chương trình |
Thế rồi bà nhận tin ông Yến đi bộ đội. Ở nhà, bà nhớ nhung, lo lắng chuyện người yêu sẽ xa mặt cách lòng, có người phụ nữ khác. Trong quân ngũ, ông Yến cũng có cùng nỗi lo nên nhiều lần viết thư cho bà.
Từ đó, cả hai liên lạc với nhau bằng những lá thư tình lãng mạn. Vài ba tháng, ông Yến lại xin đơn vị về thăm nhà, thăm người yêu một lần.
Ông kể: “Lúc đó, tôi được huấn luyện tại Quân đoàn 4. Ba thương tôi lắm, lâu lâu ông lại nấu đồ ăn, đem lên cho tôi. Một lần, trước khi ông lên thì Loan đã đến đơn vị thăm tôi.
Ông phát hiện nên hỏi tôi: 'Loan từ dưới này lên thăm con luôn hả'. Tôi gật đầu. Ông lại hỏi lên thăm rồi sao mà về. Tôi lại nói là tôi xin đơn vị cho Loan ngủ lại.
Từ đó, có lẽ ông biết tình cảm của tôi và Loan quá sâu đậm nên hỏi ý kiến tôi về việc cưới Loan về làm dâu. Trở về, ông tự động đến gia đình Loan bỏ trầu cau, làm đám hỏi dù không có tôi ở nhà. Cuối cùng, sau 7 năm yêu nhau, chúng tôi mới được gia đình chấp nhận và trở thành vợ chồng”.
Hối hận vì một cú đánh
Sau thời gian làm đám hỏi mà không có chú rể, ông Yến xin đơn vị về nhà tổ chức đám cưới. Cưới xong, 3 hôm sau ông lại trở về đơn vị, bỏ cô dâu mới ở nhà một mình.
Về làm dâu tại quê chồng ở Gò Công, bà Loan chịu nhiều cực nhọc vì gia đình chồng nhiều ruộng đất. Nhiều lúc, dẫu bụng mang dạ chửa, bà vẫn phải ra đồng cắt cỏ, gặt lúa.
Trong khi đó, sau khi xuất ngũ, ông Yến đến đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM) làm muối mưu sinh. Bà Loan phải sinh nở, chăm con nhỏ một mình.
Mãi cho đến khi sinh cậu con trai út, ông Yến mới đưa vợ con về đoàn tụ tại đảo Thiềng Liềng. Thế nhưng khi về chung sống, cả hai sớm gặp những sóng gió trong đời sống hôn nhân.
Ông Yến vốn nóng tính nhưng bà Loan lại không nhẫn nhịn nên cả hai thường xảy ra xung đột. Một lần, trong lúc nóng giận, ông Yến vung tay, tát vào mặt bà. Cú tát mạnh đến nỗi khiến chiếc bông tai bà đang đeo văng xa, rơi mất.
Uất ức vì bị chồng đánh, bà Loan gom quần áo, bỏ về nhà bố mẹ ruột ở Gò Công. Tại đây, bà được bố mẹ khuyên nhủ và trở về với chồng. Sau này, biết chồng nóng tính, bà Loan chọn cách nhường nhịn mỗi khi vợ chồng có mâu thuẫn, xung đột.
Bà tâm sự: “Mỗi lần ông ấy nóng giận, tôi lại nhường nhịn, không đôi co. Giận quá, tôi xách gối bỏ đi chỗ khác ngủ. Khi nào ông ấy hết giận, tôi lại tự động xách gối trở về. Ông ấy sau khi giận cũng biết mình sai nên lại làm lành".
|
Ông Yến hôn lên má vợ sau khi nói lời xin lỗi bà vì hành động thiếu chuẩn mực của mình cách đây hơn 30 năm. Ảnh chụp lại từ chương trình. |
Sau lần cả giận mất khôn, ông Yến hối hận vô cùng. Ông yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc vợ con hết mực. Sau 34 năm chung sống, bà Loan khẳng định chồng không còn tật xấu, đối xử với mình rất tốt.
"Bây giờ, với tôi ông ấy là người chồng, người cha rất mực thương vợ, thương con. Đặc biệt, ông ấy rất sợ tôi cực và xấu đi. Ông ấy sợ tôi xấu đến nỗi khuyên, yêu cầu tôi nghỉ làm muối để ở nhà làm bánh dân gian, du lịch cộng đồng", bà Loan chia sẻ.
Cuối chương trình, ông Yến nói lời xin lỗi vợ vì có hành động không đúng mực với bà cách đây hơn 30 năm. Trước khi đặt lên má vợ nụ hôn ấm áp, ông nói: “Trước mặt khán giả, anh có lời xin lỗi em. Anh hứa rằng chắc chắn sẽ không bao giờ có lại lần nào như thế nữa”.
Theo Hà Nguyễn/Vietnamnet