Ước tính có khoảng 55 loại sả khác nhau nhưng chỉ giống Đông Ấn và Tây Ấn là phù hợp để nấu ăn.
Nhiều người tin rằng, cây sả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng có ít những bằng chứng khoa học chứng minh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết sả có tác dụng tốt trong việc chống lại các gốc tự do, do đó làm giảm tỷ lệ viêm nhiễm trong cơ thể. Sả có chứa các hợp chất chống viêm axit chlorogen, isoorientin và swertiajaponin.
Ở một số quốc gia, sả được sử dụng làm gia vị trong các món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực Đông Nam Á. Thân sả có mùi thơm đặc trưng và thường được dùng để nêm nếm các món canh, súp, nước sốt và các món hầm.
Dưới đây là một số lợi ích nếu thường xuyên bổ sung sả vào thực đơn ăn uống hằng ngày, hoặc đơn giản hơn là sử dụng sả để nấu thành nước uống.
1. Giảm bớt lo lắng
Nhiều người nhận thấy nhấm nháp trà nóng có tác dụng thư giãn, nhưng nước sả có thể còn giúp giảm lo âu hiệu quả.
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), ngửi mùi sả có thể giúp ích rất nhiều cho những người đang lo lắng. Mặc dù một số người hít tinh dầu sả để giảm căng thẳng và lo lắng, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cần thêm bằng chứng để có thể khẳng định lợi ích này.
2. Giảm cholesterol
Theo một bài báo trên Tạp chí Nghiên cứu & Công nghệ Dược phẩm Tiên tiến (JAPTR, Ấn Độ), tiêu thụ chiết xuất từ sả có thể làm giảm cholesterol. Nghiên cứu lưu ý rằng, phản ứng phụ thuộc vào liều lượng. Điều này có nghĩa là nếu ăn nhiều sả có thể làm giảm cholesterol hơn nữa.
3. Ngăn ngừa nhiễm trùng
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), kết quả nghiên cứu cho thấy sả có một số khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng.
Loại thảo dược này làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tưa miệng, một bệnh nhiễm nấm thường ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV.
4. Tăng cường sức khỏe răng miệng
Ở nhiều quốc gia có cây sả là loài bản địa, người dân sẽ lấy thân cây sả và nhai như một cách để cải thiện sức khỏe răng miệng và giữ cho miệng luôn có cảm giác sạch sẽ.
Tạp chí Food Chemistry đã công bố một nghiên cứu xác nhận những phát hiện này. Các tác giả đã xem xét 12 loại thảo mộc và phát hiện ra rằng, chiết xuất từ sả là một trong những chất ức chế mạnh nhất sự phát triển của vi khuẩn trong các mẫu phòng thí nghiệm. Họ đã sử dụng vi khuẩn có thể gây sâu răng trong miệng, bao gồm cả Streptococcus sanguinis.
5. Giảm đau
Theo một nghiên cứu, sả có thể ngăn chặn cơn đau. Điều này có nghĩa là uống nước sả có thể giúp ngăn ngừa cảm giác đau đớn.
6. Tăng cường lượng hồng cầu
Kết quả của một nghiên cứu năm 2015 cho thấy uống nước sả hằng ngày trong 30 ngày có thể làm tăng nồng độ huyết sắc tố, thể tích tế bào đóng gói và số lượng hồng cầu trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện xét nghiệm máu từ 105 đối tượng người khi bắt đầu, sau đó vào các ngày thứ 10 và 30 của nghiên cứu. Họ kết luận rằng, uống nước sả giúp tăng cường sự hình thành các tế bào hồng cầu.
Mặc dù không xác định chính xác cơ chế hoạt động của sả nhưng họ cho rằng đặc tính chống oxy hóa của trà có thể đóng một vai trò nào đó.
7. Giảm đầy hơi
Uống nước sả có tác dụng lợi tiểu, đồng nghĩa với việc nó kích thích thận đào thải ra nhiều nước tiểu hơn bình thường.
Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ trên tờ Journal of Renal Nutrition (Tạp chí Dinh dưỡng Thận JRN), uống nước sả làm tăng lượng nước tiểu nhiều hơn các loại đồ uống khác.
8. Giảm mỡ máu
Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Journal of Advanced Pharmaceutical Technology & Research (Ấn Độ) cho thấy rằng, chiết xuất từ sả có thể giảm mỡ máu và cholestrerol LDL.
Nghiên cứu khác cho thấy sả có thể giảm mỡ máu và tăng hoạt động chất chống oxy hóa trong hệ thống gan.
Gợi ý công thức làm nước sả uống tại nhà
Sử dụng 1-2 thân cây sả cắt thành miếng khoảng 3-4cm. Đun sôi 300ml nước trong nồi, nước ngập thân sả, nấu ít nhất trong 5 phút, sau đó lọc lấy nước rồi uống khi còn nóng. Bạn cũng có thể để nguội và thêm đá viên. Nếu thích bạn có thể pha chế thành các loại thức uống cùng với trà để tăng thêm mùi vị như trà sả tắc, trà đào cam sả, trà sả…
Mọi người nên bắt đầu với một tách trà sả mỗi ngày, sau đó bổ sung thêm vào chế độ ăn uống của mình trong những ngày tiếp theo nếu muốn.
Theo Phương Hạnh/ Arttimes