Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền, cây cà gai leo được sử dụng rất phổ biến trong dân gian và được ghi lại trong các sách y học cổ truyền với nhiều bài thuốc khác nhau, theo VOV.
Các bộ phận của cây cà gai leo dùng làm thuốc gồm rễ và cành lá phơi hay sấy khô và có thể dùng khi còn tươi.
Rễ cây có chứa tinh bột và đặc biệt chứa các hoạt chất như ancaloid, glycoancaloid… có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan virus, ngăn chặn sự phát triển của xơ gan nên dùng điều trị các bệnh lý gan mật.
Một số công dụng của cà gai leo:
- Chữa ho gà: Lá chanh (30g), rễ cà gai leo (10g). Sắc uống làm 2 lần/ngày. Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng.
- Chữa vàng mắt, vàng da, mẩn ngứa, mụn nhọt: Lấy thân, lá, rễ cà gai leo hãm nước uống hàng ngày. Ngoài ra, cây cà gai leo là loại cây không có tác dụng phụ nên mọi người có thể dùng hàng ngày ngay cả khi không mắc bệnh gì để tăng cường chức năng gan, giúp gan khỏe mạnh.
Hình ảnh cây cà gai leo (Ảnh: MXH)
- Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan: Toàn bộ thân, rễ, lá cà gai leo 30g, dừa cạn 10g, chó đẻ răng cưa 10g. Tất cả đem sao vàng, sắc uống 1 thang/ngày.
- Dùng giải rượu: Cà gai leo dùng để chữa ngộ độc rượu rất tốt. 100g cà gai leo (toàn cây) khô sắc với 400ml nước còn khoảng 150ml, uống khi còn ấm, dùng trong ngày.
- Hạ men gan, giải độc gan: Dùng 35g cà gai leo (toàn cây) khô, nấu với 1l nước, còn 300ml uống trong ngày thành 3 lần.
Vốn là loài cây mọc dại, nhưng khi phát hiện ra công dụng cũng như những lợi ích của cây nhiều người dân đã thành công khi trồng loại cây này.
Mới nhất, chị Lê Thị Thể (SN 1982, thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương tiêu biểu khi thử nghiệm trồng cây dược liệu cây cà gai leo.
Trên diện tích hơn 2 sào, chị Thể đầu tư hơn 200 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới… để phát triển vùng dược liệu cà gai leo theo hướng hữu cơ.
"Mùa đầu tiên, thời tiết nắng nóng, nhiều luống cây phải trồng lại nhiều lần vì thiếu nước. Cà gai leo là loại thân cành, gai nhiều, sắc nhọn nên gây khó khăn cho các thao tác kỹ thuật (làm cỏ, bón phân, thu hoạch, sơ chế), làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới quá trình canh tác theo hướng hữu cơ. Lúc đó, dù khá lo lắm nhưng tôi quyết tâm phải làm tới cùng. Tôi tích cực tìm hiểu, đi đến nhiều nơi để nắm bắt quy trình trồng và chăm sóc loại cây này", chị Thể chia sẻ trên báo Hà Tĩnh.
Hiện nay, mỗi năm, vùng sản xuất cà gai leo của gia đình chị Thể cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ (Ảnh: MXH)
Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chỉ trong 5 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả bắt đầu xuất hiện.
Gần như ngày nào chị cũng có mặt trên những luống cây từ khi mới chớm mầm đến lúc cây phát triển sum suê. Từ 2 sào cây cà gai leo, đến nay, quy mô trồng cà gia leo của gia đình chị Thể đã lên tới hơn 1,5 ha.
Hiện nay, mỗi năm, vùng sản xuất cà gai leo của gia đình chị Thể cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình đã tạo việc làm cho 10 nhân công địa phương, trong đó có 4 nhân công thường xuyên.
Được biết, cây cà gai leo ưa sáng, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, thích hợp với trồng ở đất pha giàu dinh dưỡng. Hoa cây cà gai leo có màu phớt tím, thường ra hoa vào tháng 4 - 9, tạo quả vào tháng 9 - 12.
Quả cà gai leo màu đỏ, dạng mọng bóng, vị hơi the, tính ấm. Cây được nhân giống bằng hạt, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 3 - 4 năm. Tính ra, so với trồng lúa, ngô, lạc thì cây cà gai leo cho lãi gần gấp 3 - 4 lần.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Thế Hào/Người Đưa Tin