Kết hôn và chuyển về sống chung được gần một năm, Đỗ Phương Linh (24 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn bận rộn với dự án kinh doanh riêng trong khi chồng thường xuyên phải làm thêm giờ tại công ty.
Quỹ thời gian eo hẹp của cả 2 khiến việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình nhỏ gặp nhiều khó khăn ở thời gian đầu chung sống. Tuy nhiên, qua thời gian, 2 người dần thống nhất được giải pháp để đảm bảo sức khỏe cũng như duy trì nếp sống khoa học.
Tranh thủ đi siêu thị cuối tuần, nấu một lần cho nhiều bữa
“Vào các cuối tuần, khi có thời gian nghỉ, tôi hoặc cả 2 vợ chồng sẽ tranh thủ dành thời gian đi siêu thị gần nhà. Vừa đi chơi, vừa mua đồ ăn cho các ngày trong tuần. Chúng tôi cố gắng co kéo chi phí để mỗi bữa không vượt quá 100.000 đồng”, Linh chia sẻ.
|
Linh đi siêu thị mua thực phẩm cho cả tuần để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Quốc Toàn.
|
Đúng kế hoạch, bữa tối nay của cặp vợ chồng trẻ gồm các món: Thịt kho chả, thịt bê xào ớt chuông và canh mồng tơi.
Nguyên liệu chính được chuẩn bị:
Thịt ba chỉ heo: 100 g (13.000 đồng)
Chả lụa: 100 g (18.000 đồng)
Thịt bê: 150 g (40.000 đồng)
Ớt chuông: 100 g (10.000 đồng)
Rau mồng tơi: 1/2 bó tương đương 200 g (5.000 đồng)
Tổng: 86.000 đồng (43.000 đồng/người)
Nhằm tiết kiệm thời gian, món thịt kho chả đã được Linh chế biến từ trước và bảo quản trong tủ lạnh để ăn được 2 bữa. Tối nay, món ăn được nhanh chóng hâm nóng lại nhằm đảm bảo gia đình Linh được ăn tối không quá muộn.
|
Bữa tối của 2 vợ chồng được hoàn thiện chỉ sau khoảng 20 phút. Ảnh: Quốc Toàn.
|
Do biết chồng thích ăn thịt, Linh cũng bổ sung món bê xào cùng ớt chuông vào mâm cơm.
“Ưu điểm của việc mua đồ siêu thị là có thể tình cờ chọn được thực phẩm giảm giá. Thấy thịt bê được ‘sale’, tôi cũng tranh thủ mua một chút, vừa đổi món cho đỡ nhàm chán”, Linh nói.
Canh mồng tơi cũng được Linh chế biến rất nhanh với gói bột canh tôm gia đình có sẵn. Qua đó, bữa tối của 2 vợ chồng được hoàn thành chỉ trong vỏn vẹn khoảng 20 phút.
Nên lưu ý hơn với rau xanh
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định mâm cơm của Linh và chồng khá đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề về dinh dưỡng 2 vợ chồng cần lưu ý.
“Dễ thấy nhất vấn đề ở mâm cơm này là lượng chất đạm quá nhiều. Nguồn chất đạm ở đây đến từ 3 nguồn là thịt bê (150 g), thịt ba chỉ heo (100 g) và chả lụa (100 g)”, ông nói.
BS Hưng cho rằng với khẩu phần ăn của 2 vợ chồng, chúng ta nên giảm 100 g thịt ba chỉ hoặc 100 g chả lụa. Lúc này, tỷ lệ dinh dưỡng sẽ cân bằng hơn, đồng thời đáp ứng vừa đủ nhu cầu.
|
Bữa tối chưa tới 100.000 đồng được Linh chuẩn bị cho 2 người. Ảnh: Quốc Toàn.
|
Vị chuyên gia thông tin khuyến cáo ngưỡng trung bình lượng chất đạm đối với một người trưởng thành tại Việt Nam hiện nay là 1 g protein/1 kg khối lượng cơ thể/ngày. Trong đó, nguồn protein nên đến từ cả động vật và thực vật.
Việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn tới sức khỏe bị ảnh hưởng trực tiếp. Một số nghiên cứu còn chỉ ra việc ăn quá nhiều thịt đỏ gây ra nguy cơ ung thư cao.
Dù giàu các loại khoáng chất như sắt, kẽm, vitamin B12, việc ăn quá nhiều thịt đỏ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh mỡ máu, tim mạch, ung thư đại trực tràng.
Mặt khác, lượng rau xanh trong bữa cơm này cũng khá ít. Trong khi đó, theo khuyến nghị, lượng rau xanh phù hợp cho một người trong mỗi bữa có thể ước lượng khoảng 1-1,5 bát ăn cơm.
“Một bát canh rau nhỏ như vậy nhưng tới 2 người ăn là không đủ”, BS Hưng nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhận xét lượng chất béo trong mâm cơm này khá nhiều. Theo khuyến cáo, khẩu phần chất béo của một người nên có tỷ lệ khoảng 20-25% tổng năng lượng mỗi ngày.
“Với bữa ăn này, chất béo hiện diện ở các món xào, kho khi sử dụng dầu ăn, bản thân thịt bê, thịt ba chỉ và chả lụa cũng chứa chất béo, kể cả thịt nạc”, ông phân tích.
Với tinh bột, vị chuyên gia cho rằng lượng cơm của Linh cùng chồng vẫn còn thiếu so với nhu cầu.
“Trung bình, với người ở độ tuổi lao động, thanh niên, khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý về chuyển hóa như thừa cân, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… mọi người có thể ăn khoảng 2-2,5 bát cơm/bữa”, BS Hưng giải thích.
Tổng quan, vị chuyên gia cho rằng đa số người Việt hiện nay ăn quá nhiều chất đạm. Trong khi đó, các loại thực phẩm như rau, cơm lại thiếu.
“Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, chúng ta vẫn cá thể hóa thông qua việc thăm khám và tư vấn với các chuyên gia dinh dưỡng, qua đó được khai thác về thói quen ăn uống, tình trạng dinh dưỡng, yếu tố gia đình, cân nặng, mức độ hoạt động, độ tuổi…”, vị chuyên gia nói.
Từ đây, các bác sĩ sẽ quyết định mức năng lượng cần thiết, song song với đó là mức đạm, chất béo, tinh bột phù hợp, hướng dẫn sử dụng các loại rau như thế nào, lượng bao nhiêu…
Mặc khác, nếu chưa có điều kiện thăm khám, BS Hưng khuyến cáo người dân nên ăn khoảng 1-2 bát cơm/bữa do năng lượng đến từ cơm cần đạt 50-60% tổng năng lượng mỗi ngày.
Với chất đạm, chúng ta chỉ nên nạp khoảng 50-60 g protein/ngày. Hai bát cơm cũng chứa khoảng 20 g protein từ thực vật. Phần còn lại (khoảng 40 g) có thể đến đến từ động vật, tương đương khoảng 100 g thịt cho bữa chính và 30 g ở các bữa phụ.
Với rau, mỗi người nên ăn khoảng một bát rau củ quả/bữa. Cách chế biến là luộc, xào nhẹ hoặc nấu canh.
Theo Zing