ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bà từng tiếp xúc với bệnh nhân tăng cân nhiều mà thai nhi vẫn suy dinh dưỡng và ngược lại.
Bác sĩ Dung lấy ví dụ, chị Mai Phương (35 tuổi, ở TP.HCM) là trường hợp điển hình. Sản phụ này hiếm muộn, sau 8 năm kết hôn mới có thai. Trong thai kỳ sản phụ được gia đình bồi bổ đủ chất dinh dưỡng, tăng 22 kg.
Cuối thai kỳ người bệnh bị tiền sản giật nặng nên phải mổ, nhưng bé sinh ra chỉ nặng 2.500 gram. Sau phẫu thuật, bệnh nhân lại tiếp tục ăn nhiều để có sữa cho con bú và không dám tập thể thao. Dù sau sinh đã một năm, nhưng chị Mai Phương chỉ giảm được 4 kg.
Trái ngược với sản phụ trên, suốt thai kỳ chị Lan (30 tuổi, ở TP.HCM) chỉ tăng 8 kg. Cô rất sợ con sinh ra ốm yếu. Tuy nhiên, bé ra đời được 3,5 kg, sau sinh 6 tháng chị đã lấy lại vóc dáng trước khi mang thai.
Bí quyết lấy lại vóc dáng sau sinh
Theo bác sĩ Dung, muốn lấy lại vóc dáng như trước khi sinh, các thai phụ không nên để tăng cân quá mức. Muốn thai nhi phát triển tốt, thông minh, khỏe mạnh, thai phụ cần phải có chế độ ăn hợp lý, đủ chất chứ không nên ăn nhiều. Các sản phụ nên tăng cường ăn thịt, cá, trứng, sữa rau quả tươi, hạn chế đường, tinh bột và chất béo. Trung bình, sản phụ cần tăng 1-1,5kg/tháng và từ 8-12kg trong suốt thai kỳ.
Việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm khó giảm cân, da giãn nhanh, rạn da, bụng nhão chảy xệ, hông, eo to, khó lấy lại vóc dáng cân đối sau sinh.
|
Bác sĩ Kiều Dung đang tư vấn cho sản phụ giảm cân sau sinh. Ảnh: N.P. |
Thông thường sau sinh 6 tuần, hầu hết chị em đã giảm được 1/2 số cân đã tăng trong lúc mang thai. Một nửa còn lại sẽ giảm tiếp trong vài tháng sau đó. Trong thời gian hậu sản (6 tuần đầu), cơ thể mẹ cần thời gian để hồi phục.
Nếu cho con bú, các mẹ nên chờ sau 2 tháng để bắt đầu áp dụng các biện pháp giảm cân. Sản phụ giảm 500-700 gram/tuần là hợp lý. Chị em cần có chế độ ăn uống hợp lý (giảm 500 calories mỗi ngày) kết hợp với tập thể dục thường xuyên.
Để giảm cân các mẹ nên chia nhỏ thực đơn thành 5-6 bữa. Chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu, tránh nguy cơ bị tiểu đường, béo phì. Sau sinh các sản phụ nên tập một số thói quen tốt:
- Không bỏ bữa sáng, ăn chậm.
- Chọn thực phẩm và sữa ít chất béo.
- Ăn nhiều trái cây, rau quả, ưu tiên táo, cam, bưởi, ổi, chuối, cà rốt là những thực phẩm vừa ít béo, vừa giàu sinh tố và chất xơ.
- Uống nhiều nước khoảng 8-9 ly nước mỗi ngày, giúp cơ thể tống xuất chất béo.
- Hạn chế nước có gas, nước ép trái cây, nước có đường và năng lượng.
- Chọn món luộc, nướng thay vì đồ chiên, xào.
- Hạn chế ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt và béo.
Ngoài ra, các mẹ cho con bú giúp cơ thể đốt calo có lợi cho quá trình giảm cân. Đặc biệt, mẹ giảm 500-700 gram/tuần không ảnh hưởng tới lượng sữa cũng như sức khỏe của mẹ. Trên thực tế, tùy thuộc vào yếu tố cơ địa, một số phụ nữ có thể không trở về chính xác cân nặng hay vóc dáng như trước khi mang thai.
ThS.BS Nguyễn Thị Tố Thư, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định sau sinh nhiều sản phụ còn gặp các sai lầm trong ăn uống như ăn nhiều tinh bột, thịt cá kho mặn, rất ít rau xanh và trái cây tươi. Điều này làm cho họ thiếu vitamin và khoáng chất, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều gia vị khiến dễ táo bón.
Phụ nữ sau sinh kiêng cữ quá nhiều sẽ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe. Một số người ăn quá nhiều chất đạm, chất béo, nhưng không vận động khiến cơ thể ứ trệ, tiêu hóa kém làm giảm sức khỏe và khả năng đề kháng của cơ thể.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):
Theo Khánh Trung/Zing News