Mong manh hay dại dột, túng quẫn?
Chị N. cho biết, hơn một năm trở lại đây, con gái chị bắt đầu có người yêu. Con gái chị, một thiếu nữ đa cảm, trót phải lòng một anh kiến trúc sư đẹp trai, hơn con 9 tuổi.
Tuy nhiên, vì bận công việc nên anh chàng kiến trúc sư kia rất hiếm khi đến đón con chị đi chơi. Số lần con đi chơi với bạn trai từ lúc yêu chỉ tính trên đầu ngón tay, thậm chí một, hai tháng chúng mới gặp nhau một lần.
Điều này khiến chị N. nửa mừng nửa lo. Chị mừng vì con đỡ có cơ hội “lửa gần rơm”. Nhưng mặt khác, chị N. cũng lo lắng khi thấy con ngóng trông người yêu.
|
Giới trẻ tự tử vì áp lực đã trở thành vấn nạn báo động trong cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa. |
Chị nhiều lần khuyên con nên từ bỏ mối tình này vì anh ta không xứng đáng, đã từng “bắt cá hai tay” làm con đau khổ. Thế nhưng với bản tính bảo thủ, con chị vẫn tin tưởng và cho anh ta cơ hội “làm lại từ đầu”.
Không hiểu từ khi nào con chị bỗng trở nên thay đổi tính nết.
“Có lúc con hưng phấn, làm mọi thứ như điên như dại. Nhưng sau đó con lại rơi vào trạng thái trầm buồn, không kiểm soát được cảm xúc. Gần đây, trong một lần hai mẹ con tâm sự, tôi bàng hoàng khi nghe con nói con muốn tự sát. Con không nói muốn tự sát vì lý do gì nhưng tôi đoán có lẽ do con bế tắc. Tôi thật sự không hiểu nổi.
Tôi đã tìm mọi cách làm bạn với con, thay vì mắng mỏ. Dù kinh tế khó khăn, đầu năm học bao nhiêu khoản đóng góp nhưng tôi vẫn nói các con muốn học hành gì thì cứ đi học, bố mẹ vẫn tạo điều kiện hết sức. Con đi học về chỉ việc ăn cơm, không phải lao động kiếm tiền hay áp lực gì cả.
Thời xưa, chúng tôi dẫu bị bố mẹ mắng, phải đi làm thêm sau giờ học, sống thiếu thốn nhưng cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện tự sát.
Giờ đây bọn trẻ có cuộc sống đầy đủ, bố mẹ dù cáu đến mấy cũng không dám đuổi con đi bởi không biết điều gì đang chực chờ con ngoài cánh cửa. Vậy mà chỉ vì chút bế tắc, bước đầu va đập với cuộc sống con nghĩ đến chuyện tự sát thì thật không thể hiểu nổi!”, chị N. bộc bạch.
“Bố mẹ cần làm bạn với con cái nhất là tuổi mới lớn, thay vì mắng mỏ. Thời xưa, chúng tôi bị bố mẹ mắng, đuổi đi, ngồi khóc hu hu trước cửa nhà nhưng không dám đi đâu. Giờ bố mẹ chỉ cần nặng lời, đuổi đi là con đi ngay mà không biết điều gì đang chực chờ con ngoài cánh cửa”.
Sau khi nghe con nói muốn tự sát, chị N. đã thức trắng đêm. Một mặt, chị muốn đưa con đến khoa tâm thần điều trị. Nhưng mặt khác, con chị chắc chắn sẽ không chịu hợp tác phương án này. Chị thực sự bế tắc không biết phải làm thế nào trước tình trạng của con.
Đừng động tí là nghĩ đến tự tử!
Chưa lúc nào câu chuyện người trẻ muốn giải quyết bế tắc của mình bằng việc tự sát lại “nóng” như bây giờ. Không chỉ có các cô gái trẻ mà ngay cả những bà mẹ trẻ - người đã có trải nghiệm trong cuộc sống vẫn không tránh khỏi suy nghĩ, hành động tiêu cực này.
Vụ việc bà mẹ ôm con 7 tháng nhảy xuống sông tự tử vì trầm cảm mới đây là ví dụ điển hình. Người trẻ “động tí là nghĩ đến tự tử” đã trở thành mối lo của rất nhiều gia đình Việt thời hiện đại.
|
Không ai khác, chính người trẻ là người chịu trách nhiệm về sinh mạng của mình. Ảnh minh họa. |
Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân (TP.HCM) đã bày tỏ sự lo ngại khi nói về vấn đề người trẻ tìm tới cái chết khi không chịu được áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Theo như cách nghĩ của họ thì cái chết là cách “ngừng lại mọi đau khổ”.
Theo Tiến sĩ Huyền Trân, dù gia đình, người thân có tạo điều kiện đến mấy thì chính người trẻ phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho chính mạng sống của mình.
“Thực ra bạn cần hiểu mình sẽ phải sống và chiến đấu với công việc, gia đình của bạn cả cuộc đời này. Sự cố, giông bão sẽ đến liên tục. Bạn vui hay không vui thì giông bão vẫn đến. Nếu bạn vui thì sẽ tỉnh táo đi qua giông bão. Nhưng nếu không vui, luôn ức chế thì sẽ gục ngã ngay trong cơn bão.
Ngoài ô cửa sổ kia sẽ là sự giải thoát, người có ý định tự tử sẽ luôn nghĩ như vậy. Nhưng thực ra đó không phải là một thế giới tốt đẹp hơn.
Khi bạn còn sống, còn nói được, cảm nhận được, được mọi người quan tâm, nhờ sự trợ giúp của người khác được mà bạn còn không giải quyết được cuộc sống của bạn.
Thì khi chết đi, bạn không nói được, không cảm nhận được điều gì, chỉ là một linh hồn thì bạn có chắc đó là thế giới tốt đẹp không?
Bạn chết đi là bạn làm nước mắt của người yêu thương bạn rơi xuống. Hãy nhớ lấy điều đó khi có ý định dại dột”, nữ tiến sĩ nhắn nhủ
Theo Thu Hà/Em Đẹp