Vừa sinh con chưa tròn hai ngày, còn yếu ớt nằm yên một chỗ trên giường, những lời nặng nề của bà khiến tôi tối tăm mặt mũi, nhưng chẳng còn sức lực đâu mà cự lại. Chồng tôi đứng cạnh mẹ, gãi đầu gãi tai nhưng chẳng dám ngăn mẹ lại nửa câu. Mẹ đẻ tôi đang ngồi đó cũng ngơ ngác, sượng sùng với bà thông gia đang hùng hổ. Âu cũng chỉ vì cái tội tôi dám về nhà mẹ đẻ sinh con.
Tôi và chồng là đồng nghiệp ở một công ty trên Hà Nội. Quê tôi ở Hải Phòng, dù nhà không thuộc dạng khá giả lắm nhưng ít ra cũng là gái thành phố, điều kiện sống nói chung cũng chẳng đến nỗi nào. Ngược lại, chồng tôi quê ở một huyện nghèo của Hải Dương, nghèo đến nỗi không có nổi cái nhà vệ sinh sạch sẽ, kín đáo. Dù chồng tôi đưa tiền để mẹ chồng xây nhà vệ sinh nhưng bà bảo "bao đời thế không chết". Hồi sắp cưới, về thăm quê chồng vài hôm tôi đã phát ớn nhưng lại nghĩ "sống với chồng là chủ yếu".
|
Ảnh minh họa. |
Ngày cưới tôi, bạn bè họ hàng xúng xính váy vóc đưa dâu kêu la oai oái vì phải kéo váy gỡ guốc lội qua đoạn đường bé xíu lầy lội do trận mưa vừa qua để vào đến nhà chồng. Còn buồng cưới ẩm mốc và nhà vệ sinh ủ tro đã trở thành "truyền thuyết" trong các câu chuyện cười của bạn bè.
Cưới nhau được một tháng, tôi có bầu. Vợ chồng tôi tính sẽ để tôi về Hải Phòng sinh con, vừa có bệnh viện lớn lại vừa ở cạnh ông bà ngoại nên tiện có người chăm sóc, chỗ ở chu đáo. Đến ngày hồi hộp chờ đợi đứa con chào đời thì tôi tối tăm mặt mày khi đón nhận "chỉ thị" của mẹ chồng: Về quê chồng sinh con.
Nghĩ đến căn buồng tối om đầy muỗi, cái nhà tắm rêu mọc hở trước trống sau, cái cảnh đi vệ sinh ở tít góc vườn, đi xong phải xúc tro để lấp, tôi hoảng hốt níu lấy áo chồng, mếu máo: “Anh xem thế nào nói với mẹ, chứ em có chết cũng không về quê đẻ. Bệnh viện thì xa, nhà cửa xập xệ, lỡ có bề gì… Anh không thương em thì cũng phải thương con”. Chồng tôi ôm vợ vỗ về, hứa như đinh đóng cột sẽ để tôi về Hải Phòng sinh con yên ổn.
Chẳng hiểu chồng tôi gọi điện về nói với mẹ chồng thế nào, mà ngay sáng hôm sau bà tức tốc đi xe khách lên Hà Nội. Đứng giữa căn phòng nhỏ của hai vợ chồng, bà sang sảng tưởng chừng như để cả xóm trọ nghe thấy: “Nhà này không có loại con dâu không chịu đẻ ở nhà chồng. Từ đời cụ đời kỵ thằng Minh, ở làng tôi không có thứ đàn bà nào đòi về nhà mẹ đẻ con. Anh chị làm thế thì tôi cả đời không dám ngẩng mặt lên với làng xóm”.
Uất ức trong người tôi dâng lên đến tận cổ, nhưng vẫn cố nín nhịn, còn chồng dịu giọng nói với mẹ: “Vợ con không về quê đẻ không phải vì ham vui, ham sung sướng gì, nhưng mẹ thử nghĩ xem, ở quê bệnh viện thì xa xôi, lạc hậu, đẻ dễ thì không sao, đẻ khó lỡ có bề gì lại ân hận cả đời. Vợ con về Hải Phòng, có bệnh viện lớn, có bà ngoại chăm sóc để mẹ đỡ vất vả, con đi làm trên này yên tâm. Cháu mẹ cũng được chăm sóc chu đáo hơn. Mẹ không nghĩ cho chúng con thì cũng phải nghĩ cho cháu mẹ chứ”.
Chồng tôi vừa dứt lời, bà lại tiếp tục té tát còn to hơn lúc nãy: “Hồi xưa tôi đẻ mấy đứa cũng ở cái trạm xá bé bằng lỗ mũi mà đứa nào cũng lớn lên to khỏe hết. Anh chị cậy có tí tiền rồi vẽ chuyện. Không chịu về quê thì đẻ ở Hà Nội, nhất định không được về nhà ngoại”.
Đến lúc này thì tôi không nhịn được nữa, mặc chồng đang giật giật kéo tay mình lại, tôi đứng phắt dậy, gào lên: “Con cũng nhất định về Hải Phòng đẻ. Mẹ muốn cháu mẹ đẻ ra ở cái bệnh viện huyện lạc hậu nghèo nàn hay ở trong cái nhà trọ bé tí thì tùy mẹ, nhưng nó là con của con, con có quyền lựa chọn đẻ nó ở nơi nào tốt nhất”.
Vừa gào xong, cơn chóng mặt kéo đến khiến tôi tối sầm mặt mũi rồi cứ thế ngã xụi lơ xuống vòng tay chồng vừa hốt hoảng đưa ra đỡ. Có lẽ cơn giận cộng với cái bụng đói cồn cào do chưa kịp ăn uống đã phải tranh luận với mẹ chồng khiến chứng tụt huyết áp của tôi trở nên trầm trọng. Trong cơn mê man, tôi chỉ kịp nghe chồng gào lên: “Về Hải Phòng đẻ, con quyết rồi, không lôi thôi gì nữa”.
|
Tôi không thể chịu nổi mẹ chồng. |
Sự cố ngất xỉu đúng lúc khiến tôi được mẹ chồng chấp thuận về nhà ngoại sinh nở. Nhưng trước khi nghỉ hẳn về đi đẻ, mẹ chồng còn bắt tôi ôm bụng về quê một chuyến để “xin phép” họ hàng, lối xóm để về đẻ ở nhà ngoại. Tôi khi ấy vác bụng bầu 38 tuần ì ạch leo lên chuyến xe khách xập xệ, chật ních, nghiến răng chịu đựng những cú xóc khi xe đi qua đoạn đường đầy ổ gà, ổ vịt.
Xuống xe, ăn vội bát cơm, tôi lại ì ạch vác bụng bầu theo mẹ chồng đi khắp xóm, lần lượt trả lời các câu hỏi giống nhau và đón nhận những cái lắc đầu ái ngại lẫn những tiếng ì xèo của hết người này đến người nọ. “Cố gắng nhịn, cố gắng nhịn”, tôi lẩm bẩm trong lòng như thế, cố ngoác miệng cười xã giao đến mỏi cả quai hàm suốt cả buổi chiều.
Cứ tưởng mọi thứ thế là êm xuôi. Ấy vậy mà sau khi tôi mẹ tròn con vuông, bà nội lên thăm cháu nhìn thấy con dâu nằm trong phòng sau sinh rộng rãi lại xót của mà sinh sự. Bà nhất định đòi tôi ra viện phải bê cháu "đích tôn" về quê nội ngay còn nếu không bà không chấp nhận đứa con dâu "mất nết".
Tôi quá giận, đuổi cả chồng lẫn mẹ chồng ra khỏi cửa buồng bệnh, tuyên bố "ly hôn". Tôi vẫn yêu chồng, cũng biết anh ấy không có tội tình gì. Tôi không thể yêu cầu chồng "bỏ mẹ" nhưng cũng khó mà có thể tiếp tục gọi mẹ chồng là "mẹ" hoặc phải đưa con về cái quê chồng với nhiều nếp sống cổ hủ đến vậy.
Thái Thị Linh