Tôi không sống ở nhà chồng, nhưng thực tế cũng chẳng khác nhau là bao vì thế người ngoài nhìn vào tưởng tôi số sướng, nhưng bên trong thì lại không. Sau kết hôn, vôi và chồng lăn lộn kiếm sống, may mắn làm ăn tốt, khấm khá mà có nhà riêng. Tôi mừng lắm, căn nhà đầu đời của hai vợ chồng tôi, cũng là thành quả vất vả bao năm mà có.
Tổ ấm có công sức của hai vợ chồng, nhưng quả thực cũng nhờ công lớn của tôi mà có. Thu nhập từ kinh doanh của tôi mới là nguồn thu nhập chính của gia đình, còn chồng tôi mang tiếng là trưởng phòng của một công ty, nhưng lương thưởng chẳng đáng là bao. Hai vợ chồng cùng nỗ lực, tôi cũng để chồng được tiếng vì dù sao anh ấy là đàn ông, trụ cột gia đình. Hồi mua nhà, bố mẹ đẻ tôi còn cho riêng hai vợ chồng tôi khoản tiền lớn.
Đang sống yên ổn, bỗng dưng chồng nảy ý muốn đón mẹ lên ở cùng. Mặc dù tôi không thích lắm, nhưng buộc phải làm vậy vì mẹ chồng tôi ở một mình cũng đã gần một năm, vì chú út đi học ở xa lâu lâu mới về. Bố chồng tôi mất từ lâu, nên trách nhiệm của chồng tôi là con cả đối với chăm sóc, báo hiếu mẹ thì tôi vui vẻ ủng hộ.
Trước không ở cùng thì tôi và mẹ chồng có vẻ quý mến nhau, nhưng về một nhà nảy sinh nhiều bất hòa. Mẹ chồng tôi khó tính, bảo thủ và áp đặt mọi thứ lên con cháu. Bà cứ nghĩ lời nói, việc làm của mình là đúng và lúc nào cũng bao biện với con dâu: "Tôi bằng này tuổi rồi, sống bao năm phải hơn mấy đứa trẻ ranh như cô".
Mẹ chồng mặc sức can thiệp vào chuyện ăn uống, sinh hoạt, nhà cửa, nuôi dạy con của vợ chồng tôi. Khó chịu do khác biệt về cách suy nghĩ khiến tôi nhiều phen ấm ức, mẹ chồng không cho tôi một chút tôn trọng nào. Cứ như thể tôi là về làm dâu nhà mẹ chồng, là kẻ ăn bám trong nhà vậy. Động chút là mẹ chồng giận dỗi, nổi cáu, thẳng thừng mắng mỏ con dâu không tiếc lời.
Có lần tôi cũng nói thẳng với chồng để góp ý cho mẹ, nhưng anh ấy cũng chỉ ậm ừ, động viên vợ: "Giờ mình đón mẹ lên sống cùng, em cố gắng nhẫn nhịn đi. Chứ mẹ mà giận dỗi bỏ về quê, vợ chồng mình còn mặt mũi nào mà nhìn anh em, họ hàng dưới đấy. Bị cả họ nhà anh ghét là em cố mà chịu nhé, chứ việc này không phải do anh".
Một lần nấu ăn không vừa ý, tôi bị mẹ chồng mắng mỏ: "Cô chẳng có việc gì mà mỗi cái nấu ăn thôi mà cứ lóng ngóng, không biết nấu nướng gì cả. Số cô lấy được con trai tôi vừa đẹp trai, tài giỏi lại kiếm ra lắm tiền. Thế mà có biết điều đâu. Cô nên nhớ là ở trong nhà con trai tôi đấy nhé, không biết điều tôi bảo nó đuổi cô ra khỏi nhà thì đừng trách tôi không nói trước nhé".
Nghe xong tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm, bèn chạy về phòng lấy ra mấy tờ giấy đưa cho mẹ chồng. Tôi nói thêm về nguồn gốc các loại giấy này: "Con trai của mẹ giỏi quá, làm ăn thiếu nghiêm túc tiêu cả tỷ đồng của công ty, giờ người ta bắt phải trả không có sẽ khởi kiện đây này. Còn vay ngoài mấy trăm triệu, cũng do cờ bạc, rượu chè mà ra. Đang định nhờ bố mẹ con giúp anh ấy nhưng giờ mẹ nói vậy con mặc kệ vậy".
Đọc kỹ mấy tờ giấy nợ tiền và nghe lời hờn trách của con dâu, mẹ chồng đang từ nổi giận chuyển sang dịu giọng, nịnh nọt con dâu: "Thôi mẹ đâu có biết mấy chuyện này. Con cố mà giúp chồng đi, rồi sau này chồng sẽ đền đáp. Mẹ xin lỗi vì hiểu lầm con, mẹ sẽ chỉnh đốn lại con trai tránh xa cờ bạc, rượu chè".
Đêm hôm đó, mẹ chồng và chồng tôi đã nói chuyện gì đó đến tận nửa đêm. Sáng hôm sau, bà chờ sẵn tôi từ sớm và bày tỏ mong muốn tôi giúp chồng và xin cho bà về quê, lâu lâu mới lên chơi. Tự dưng tôi lại thấy thương mẹ chồng, đã có lúc tôi nghĩ đến ly hôn, nhưng vì con mà cố tìm cách giúp chồng nếu như anh ấy không tái phạm vào con đường ăn chơi, cờ bạc.
Tôi không còn giận mẹ chồng, nhưng vẫn còn băn khoăn, không biết là có nên giữ bà ở lại hay là để bà về quê? Thú thực, nghĩ lại chỉ nửa năm qua sống cùng mẹ chồng, tôi thấy mình đã phải chịu đựng quá nhiều.
Theo Mailinh@/Gia đình & Xã hội