Một sản phụ 18 tuổi ở Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nhau bong non thể nặng do mắc hội chứng HELLP, thai 34 tuần đã tử vong.
Ngày 6/12, bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, sản phụ nhập viện khi suy hô hấp, tuần hoàn, rối loạn đông máu, bụng cứng như gỗ, không còn tim thai. Lúc này, cổ tử cung mở hết, ối vỡ, đầu thai nhi đã thập thò ở âm hộ.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhau bong non do hội chứng HELLP, yêu cầu chuyển vào phòng mổ, lấy thai nhi ra. Đột ngột, toàn bộ bánh nhau và máu cục lẫn máu loãng màu đỏ thẫm chảy ào ra, tử cung mềm nhão. Bác sĩ lập tức cho sử dụng thuốc tăng co tử cung nhưng không hiệu quả.
"Lúc này, bệnh nhân không còn tỉnh táo, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, máu đỏ thẫm không đông tiếp tục chảy", bác sĩ nói.
Trong phòng phẫu thuật, tình trạng sản phụ tiếp tục diễn biến xấu, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, các xét nghiệm đều ở mức không an toàn.
Sau hội chẩn, bác sĩ đánh giá bệnh nhân trẻ tuổi, thai đã tử vong, "nếu cắt tử cung thì mất hoàn toàn khả năng mang thai, ảnh hưởng tâm lý sau này". Ngoài ra, cắt tử cung trong tình trạng rối loạn đông máu cũng rất nguy hiểm. Kíp quyết định thắt các mạch máu cấp cho tử cung để cầm máu, theo dõi máu chảy ra, cố gắng bảo tồn tử cung.
May mắn, 10 tiếng sau, bệnh nhân tỉnh, có phản xạ. Theo bác sĩ, tổng lượng máu được truyền cho cô gái trong quá trình phẫu thuật và hồi sức là gần 4.000 ml khối hồng cầu, hơn 1.700 ml huyết tương, 900 ml khối tiểu cầu.
"Sự bình phục ngoạn mục của bệnh nhân thực sự là phép màu dành cho cả kíp", bác sĩ nói.
|
Bác sĩ chăm sóc cho sản phụ. Ảnh VTV |
Trước đó một tuần, sản phụ T.T.V., 19 tuổi mang thai lần 2, thai 37 tuần, tiền sản giật nặng kèm hội chứng HELLP đã được Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cứu sống thành công.
Sản phụ T.T.V. nhập viện trong tình trạng đau bụng và nôn nhiều. Sau khi làm xét nghiệm cho thấy sản phụ có tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu do mắc hội chứng HELLP.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, hội đồng quyết định ngừng thai nghén bằng phương pháp phẫu thuật lấy thai để cứu sống thai nhi và giảm nguy cơ cho sản phụ.
Với sự phối hợp của các chuyên khoa: Sản, Gây mê hồi sức, Sơ sinh, Hồi sức tích cực, Nội thận tiết niệu... ca phẫu thuật đã thành công. Em bé nặng 1.240 gram đã được các bác sĩ đón ngay tại phòng phẫu thuật và đưa về chăm sóc tại khoa Sơ sinh.
Sản phụ sau phẫu thuật được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực nội, tình trạng sức khỏe ổn định được chuyển về khoa Sản theo dõi tiếp. Hiện tại sức khỏe của sản phụ và bé đều ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo: Hội chứng HELLP - biến chứng của tiền sản giật rất nguy hiểm, nó có thể khiến sản phụ và thai nhi tử vong tức thì nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc phối hợp điều trị của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa giúp kiểm soát tình hình và dự liệu được các diễn biến bất thường có thể xảy ra. Từ đó mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm: Phụ nữ trên 35 tuổi; bị béo phì; có tiền sử mắc các bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận; huyết áp cao trong thai kỳ; tiền sử mắc tiền sản giật trước khi sinh.
Để sớm phát hiện các bệnh lý bất thường liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, sản phụ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa, bên cạnh việc siêu âm, cần làm thêm một số các xét nghiệm máu, nước tiểu…
Bình Nguyên