Việc sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi bản thân người mẹ không thể tự quyết định, sức khỏe và sự an toàn của cả mẹ và bé luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, câu chuyện của người mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh dưới đây phần nào mô tả rõ hơn về suy nghĩ phiến diện của 1 số người về phương pháp sinh mổ, để lại ảnh hưởng tâm sinh lý không tốt đến sản phụ và em bé.
Chị Abbie Lever, 21 tuổi, bà mẹ 3 con đến từ thành phố Manchester (Anh) đã từng phải trải qua giai đoạn khó khăn mới có thể vực lại tinh thần để chăm con và tiếp tục cuộc sống bình thường. Chị mới sinh cô con gái thứ 3, bé Daisy, bằng phương pháp mổ đẻ cách đây hơn 3 tháng. Nguyên nhân khiến chị phải sinh mổ đó là do em bé bị dây rốn quấn cổ và liên tục xoay chuyển trong bụng mẹ khiến chị phải mổ cấp cứu.
|
Chị Abbie Lever, 21 tuổi vừa mới sinh con gái thứ 3 bằng phương pháp đẻ mổ cách đây không lâu. |
Sau khi bác sĩ đưa được em bé ra khỏi bụng mẹ, hơn 5 phút sau bé mới có thể cất tiếng khóc chào đời. Chia sẻ lại khoảnh khắc hồi hộp và đầy sợ hãi ngày hôm đó, chị Abbie xúc động cho biết: “Đây thực sự là 1 trải nghiệm sợ hãi và đau đớn.
Khi vào phòng mổ, cảm giác của tôi đó là căn phòng lạnh lẽo, tấm vải che màu xanh phủ qua người khiến tôi không thể biết chuyện gì đã và đang diễn ra. Khi con gái chào đời mà không thấy khóc, trong đầu tôi chỉ tưởng tượng ra những chuyện tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Tôi cảm giác đó là 5 phút dài nhất và đáng sợ nhất trong cuộc đời mình.”
Thế nhưng thay vì an ủi và động viên, một số người đã có những lời chỉ trích khiến Abbie rơi vào trầm cảm. “Họ nói tôi là bà mẹ tồi, chỉ biết trốn tránh trách nhiệm. Thậm chí họ còn nói tôi thích đẻ mổ hơn là đẻ thường vì những lí do khó hiểu. Tôi dần mất tự tin vào bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống.
Sau khi trải qua ca sinh đau đớn, con không thể khóc trong vòng 5 phút, cảm giác cô đơn trong phòng mổ mà không có ai bên cạnh, rồi tiếp đến là những lời bình luận ác ý khiến tôi bị trầm cảm và mất kiểm soát”, bà mẹ 3 con tiếp tục chia sẻ về câu chuyện của mình.
Sau 1 thời gian bình tâm, chị Abbie đã vượt lên chính mình và dần hồi phục trở lại. Hiện tại bà mẹ trẻ có thể vui vẻ và tự tin hơn khi đứng trước “búa rìu” dư luận. Chị dũng cảm nói lên suy nghĩ của bản thân và chia sẻ đến mọi người để không 1 bà mẹ nào phải chịu thêm tổn thương nữa.
“Tôi cảm thấy thật nực cười và đáng buồn cho những ai nói phụ nữ đẻ mổ là để trốn tránh trách nhiệm và chỉ muốn sướng cho bản thân. Tôi thấy họ quá nông cạn và thô lỗ nếu còn tiếp tục bình phẩm những ý kiến như vậy. Chẳng ai có thể hiểu cảm giác 1 mình cô đơn trong phòng mổ lạnh lẽo, hàng tá bác sĩ vây quanh để phẫu thuật, rồi phải chịu đau đớn hồi phục sau khi sinh và 1 loạt hệ lụy khác của việc sinh mổ. Nếu hiểu và cảm thông, chắc sẽ không còn ai mắc trầm cảm và tự ti như trường hợp của tôi.”
|
Bé Daisy - 3 tháng tuổi chào đời bằng phương pháp sinh mổ do bị dây rốn quấn cổ. |
Đây quả thực là những sự kiện có thể khiến bất kì người mẹ nào bị tổn thương. Bởi hơn ai hết, mẹ chính là người mong chờ nhất giây phút đón con yêu chào đời, mẹ cũng là người sẽ hy sinh mọi thứ để con được bình an đến với cuộc sống này. Thế nhưng mẹ cũng chính là người dễ bị tổn thương nhiều nhất cả về thể xác và tinh thần khi mang trên mình thiên chức làm mẹ, chịu trách nhiệm đưa những đứa con từ hình hài nhỏ bé thành đứa trẻ khỏe mạnh.
Theo Phương Phương/VTC News