Mua rượu sẽ phải xuất trình chứng minh thư?

Google News

(Kiến Thức) - Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, cho biết như vậy khi nói về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế đề xuất đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đặc biệt là đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h và cấm bán cho người dưới 18 tuổi …
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về Dự thảo Luật này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, quy trình lấy ý kiến về dự thảo này này sẽ đưa ra 3 phương án.
Phương án đầu tiên là không được bán rượu bia trong khoảng sau 22h đến 6h tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện của nước ta và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Theo bà Trang đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu bia, nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.
 Còn nhiều tranh cãi xung quanh dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Phương án thứ hai là giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quy định việc cấm bán rượu bia tại một số điểm trong khoảng thời gian phù hợp với thực tế của địa phương đó.
Với phương án này, bà Trang nhận định, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… sẽ tích cực triển khai trước do nhu cầu bức thiết về tình hình lạm dụng rượu bia và an toàn giao thông. Ngoài ra, các địa phương này có điều kiện để triển khai nguồn nhân lực để tập trung thực hiện.
Phương án cuối cùng là: Chưa qui định việc cấm bán rượu, bia trong dự thảo luật.
Theo bà Trang, với ba phương án trên, những người soạn thảo luật nghiêng về phương án đầu tiên. “Để thực hiện được, phải có sự nỗ lực rất lớn, có sự phối hợp nhiều cơ quan chức năng. Hơn nữa, đây là thói quen đã ăn sâu trong văn hóa của người dân, nên khi đưa ra, dự thảo chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Muốn thực hiện được thì điều căn bản nhất là phải dựa vào ý thức của người dân”, bà Trang nói.
Với câu hỏi việc quản lý và cấm bán rượu bia đối với những đối tượng dưới 18 tuổi liệu có khả thi, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Để biết được đối tượng đã đủ 18 tuổi hay chưa, khi mua – bán rượu phải xuất trình chứng minh thư. Hoặc sẽ không bán cho trẻ em đi mua rượu một mình. Mục đích của việc làm này là bảo vệ sức khỏe trẻ em, tránh trẻ nhỏ tiếp xúc với rượu, bia quá sớm”.
UBND các cấp hành chính, quản lý thị trường và công an sẽ là người quản lý việc mua bán rượu bia và tuyên truyền trực tiếp.
Một vấn đề đang gây nhiều dư luận trái chiều, đó là khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào thực thi thì có ảnh hưởng đến ngành du lịch hay không. Bà Trang khẳng định: “Việc cấm bán rượu bia sau 22h không có mối liên hệ nhiều với vấn đề du lịch. Tuy nhiên, học tập kinh nghiệm ở một số nước như Thái Lan, Singapore …chúng tôi sẽ dành một số địa điểm du lịch nổi tiếng để bán sau 22h”.
Về việc các kênh truyền hình vẫn quảng cáo rất nhiều về các loại bia, bà Trần Thị Trang cho biết: “Đây chính là khoảng trống pháp lý, mà tới đây chúng tôi sẽ xem lại”.
Luật hiện hành chỉ cấm quảng cáo các mặt hàng rượu từ 15 độ trở lên, còn bia vẫn chưa đưa vào luật.
Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; 1/4 trong số này sử dụng ở mức độ có hại. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Loại đồ uống này là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh, và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác
Điều tra về sức khỏe vị thành niên và thanh niên (14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ từng uống bia, rượu.
Minh Hoàng