Bước vào đời sống hôn nhân chưa lâu thì Dũng, chồng tôi qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Ở tuổi đôi mươi và đang quện hơi ấm với người chồng vừa mới gắn bó, tôi như người ngã ngựa. Đúng lúc ấy thì tôi hay tin trong mình đang mang mầm sống của anh. Vừa bấn loạn vừa tủi cực, may nhờ có bố mẹ đôi bên xốc lại tinh thần, tôi mới dần hồi phục và bình tâm xác định con đường phía trước cho mình.
Bố mẹ chồng sợ tôi có quyết định dại dột với số phận sinh linh bé bỏng nên ra sức yêu chiều dỗ dành tôi. Họ nói chỉ cần tôi vững tâm sinh cháu cho ông bà, rồi tương lai sau đó của bản thân tự tôi định đoạt. Thực ra tôi chưa bao giờ có ý định bỏ con. Một phần vì đó là những gì may mắn Dũng để lại sau khi ra đi, phần vì đó chính là mầm sống, là động lực nuôi dưỡng tôi đi qua những tháng ngày mất phương hướng này.
|
Bố mẹ chồng tôi được an ủi vì cháu trai bù đắp phần nào nỗi đau mất con. Ảnh minh họa |
Hằng đêm gạt nước mắt khi nằm vò võ một mình, tôi trò chuyện với đứa con ngày một lớn lên trong bụng mình, rồi tự đối thoại với bản thân. Rằng tôi đang may mắn có những gì trong tay và cần cố gắng tự mình chèo chống qua cơn hoạn nạn này theo cách nào đỡ bi kịch nhất.
Con trai tôi ra đời giống bố như đúc khiến ông bà nội vui sướng bội phần. Như được ông trời bù đắp những tổn thương khi đứa con trai chẳng may vắn số ra đi, họ ra sức dồn tình thương và sự chăm sóc cho đứa cháu bé bỏng. Tôi thở phào vì mình đã hoàn thành tâm nguyện của ông bà. Chắc hẳn nơi xa, chồng tôi cũng mãn nguyện khi thấy con trai khỏe mạnh bình yên như vậy.
Thời gian giúp tôi dần nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Những lần hiếm hoi có chút thời gian cho riêng mình, tôi ngắm nhìn hình ảnh bản thân phản chiếu trong gương và biết mình vẫn còn quá trẻ. Bản thân cũng cần có những dự định tương lai cho mình khi con cứng cáp.
Nhưng ông bà nội dần bộc lộ bản tính ích kỷ. Họ muốn giữ lại tôi cho gia đình, muốn tôi chung thủy ở vậy nuôi con và gắn bó lâu dài với ông bà. Chính vì thế, mỗi khi thấy tôi chăm chút hình thức và chuẩn bị đi ra ngoài, dù chỉ là gặp gỡ bạn học hay về nhà ngoại là họ nhìn theo thở dài bóng gió xa xôi.
Nếu có đối tượng nọ kia cũng lâm vào cảnh "gà trống nuôi con" muốn gặp gỡ tiến tới tìm hiểu tôi, họ ngăn chặn ngay từ đầu với câu nói ráo hoảnh: "Nó đang còn con nhỏ và tâm nguyện ở lại thờ chồng".
Cuộc sống dần bí bách vì tôi chìm sâu vào sự quản thúc gắt gao của bố mẹ chồng. Tôi đi đâu, làm gì cũng phải trình diện ông bà. Nếu không, khi tôi trở về sẽ gặp phải sự soi xét chất vấn cùng những lời lẽ không thể nặng nề hơn được nữa: "Con còn nhỏ dại đã muốn cao chạy xa bay. Tôi nghiệp thằng Dũng vắn số".
Có lần tôi đánh bạo xin bố mẹ chồng cho tôi đi học nghề. Tôi muốn ổn định cuộc sống, tự chủ về kinh tế để có thể lo cho bản thân và con nhỏ sau này. Nhưng ông bà cương quyết phản đối. Họ nói tôi cứ yên tâm ở vậy nuôi con, họ sẽ có trách nhiệm cho cháu trai tới cuối đời.
Ông bà đã có tuổi, ai dám đảm bảo họ sẽ theo con tôi bao bọc được cháu mãi mãi? Tôi cần có sự chuẩn bị tinh thần để trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống ổn. Tuy ông bà nói thế nhưng trong thâm tâm tôi biết họ sợ tôi đi ra, tầm nhìn thay đổi, sẽ đủ lông đủ cánh tự chủ và rời bỏ gia đình họ.
Tôi cứ dùng dằng khổ sở như thế 8 năm sau ngày chồng mất. Con trai đã lớn, sức khỏe, thời gian và cả ý chí tôi đều có, nhưng rồi lại bị giam cầm với những lý lẽ và sự độc đoán của ông bà nói riêng và của cả người đời. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với người dì ở Sài Gòn ra chơi đã làm tôi thay đổi hoàn toàn tư duy.
Dì nói: Cháu cần cương quyết với bên nội một lần. Việc chẳng may chồng mất sớm là điều không ai mong muốn. Cháu đã ở vậy chăm nuôi con khôn lớn, giờ là lúc cần hoạch định lại đời mình, tự chủ theo cách bản thân mong muốn.
Nếu cứ mãi ở vậy trong sự giam lỏng của hệ tư tưởng cũ bên nội, sẽ chẳng người đàn ông nào dám tiến tới với cháu cả. Hãy bàn với bố mẹ đẻ để tăng thêm tiếng nói, dứt khoát đưa con về và nhờ sự chăm sóc của ông bà ngoại. Từ đó cháu mới có thời gian tâm sức để làm những việc mà bản thân lâu nay tạm thời gác lại".
Tôi đã cương quyết bày tỏ nguyện vọng cá nhân với bố mẹ chồng theo cách mà dì tư vấn. Có cả bố mẹ đẻ ở đó, trò chuyện nhũn nhặn theo cách "đưa mẹ con về chăm sóc đỡ đần thêm, lâu nay ông bà đã vất vả nhiều rồi".
Cũng không ngoài dự tính của tôi, ông bà nằng nặc không đồng ý, còn khóc lóc, trách móc tôi tàn nhẫn, họ đã khổ vì mất con, nay còn mất đi hạnh phúc được vui vầy với cháu. Ông đổ ốm, bà dọa sống dọa chết khiến tôi không thể nào ra đi được.
Tôi muốn cuộc sống riêng của mình nhưng tôi cũng không muốn tàn nhẫn thấy hai bố mẹ chồng đã già rồi còn phải buồn bã đến mức đau ốm. Liệu việc ra đi của tôi có sai? Tôi cần làm gì để bố mẹ chồng tôi hiểu bây giờ?
Theo Dân Việt