Tại Việt Nam, hiện có khoảng 60% số người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Trong khi, căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong vì có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy tim.
Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh tăng huyết áp 17/5, các chuyên gia y tế Việt Nam cảnh báo, người bị bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp chỉ khoảng 1% dân số, năm 1992 tăng lên hơn 11%, đến năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%.
Theo điều tra năm 2008 của Viện Tim mạch quốc gia tại 8 tỉnh, thành phố của nước ta thì tỷ lệ người từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp đã ở mức hơn 25%. Tuy nhiên, theo ước tính gần đây nhất, cứ 2 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Dù việc phát hiện bệnh này rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Anh Phạm Vinh Quang, 42 tuổi ở Bình Giang, Hải Dương cho biết: “Tôi bị xuất hiện các cơn đau thắt ngực rất nhiều. Đi khám chụp chiếu thì không phát hiện ra bệnh phổi. Sau đó kiểm tra máu và đo huyết áp thì bác sĩ kết luận là áp huyết cao. Lúc đó chỉ số huyết áp là 160”.
|
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam. |
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp hiện nay không chỉ tăng gấp đôi so với hơn 10 năm trước, mà còn có xu hướng trẻ hóa.
“Đáng lo ngại là có những người còn rất trẻ mà cũng tăng huyết áp. Trong khi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng rồi”, GS.TS Nguyễn Lân Việt nói.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp ngày càng phổ biến và trẻ hóa chủ yếu là do chế độ ăn uống không lành mạnh, hấp thụ quá nhiều muối, lạm dụng rượu bia, ít vận động thể lực, thừa cân và thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trước đây, bệnh động mạch vành thường xuất hiện ở những người từ 70 tuổi trở lên, nhưng độ tuổi mắc nhiều nhất hiện nay lại là khoảng 50 tuổi. Bệnh nhân chủ yếu là người béo phì, tăng huyết áp và tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ.
“Ngày xưa không có gì để ăn nhưng ngày nay có quá nhiều "cám dỗ" trong ăn uống. Có những đồ ăn rất nhiều mỡ, chất đạm, như nội tạng động vật thịt bò, đồ ăn nhanh... nếu ăn nhiều, thường xuyên có thể gây thừa cân, tăng huyết áp. Thứ 2 là còn nhiều người có thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc lào nhưng lại ít vận động thể lực” - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhưng tại nước ta vẫn có tới 30% số bệnh nhân chưa được điều trị và hơn 60% đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp trở về mức bình thường. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, tất cả mọi người ở bất cứ độ tuổi nào đều có thể bị tăng huyết áp.
“Với tất cả mọi người, nhất là người trẻ cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Thứ nhất là về chế độ ăn uống, không được ăn mặn, hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào vì có liên quan đến các bệnh lý tim mạch rất rõ ràng. Hạn chế tối đa stress, cần có thời gian nghỉ ngơi trong tháng, trong ngày, trong tuần và cần có hoạt động thể lực đều đặn”, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.
Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ tăng dần ở độ tuổi trung niên và thường gặp ở người cao tuổi, nên Chương trình Quốc gia về phòng chống tăng huyết áp cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 tất cả những người trên 40 tuổi phải được đo huyết áp ít nhất 2 lần mỗi năm./.
Theo Văn Hải/VOV