Bỏ việc vì "3 không"
Cuối năm 2021, sau đợt làm thêm việc giữ trẻ giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Ngọc Th., giáo viên tiếng Anh tại một trường tiểu học ở TPHCM chính thức bỏ việc ở trường học.
Tốt nghiệp bằng giỏi sư phạm tiếng Anh, Th. vào trường học làm việc đúng chuyên môn được đào tạo. Cô gái trẻ từng vẽ ra viễn cảnh say mê nhiệt huyết với nghề, với học trò, không cần nặng nề chuyện tiền bạc.
Nhưng rồi sau 3 năm đi dạy từ diện hợp đồng chuyển sang chính thức, những bay bổng, mộng mơ của Th. vỡ tan. Tiền lương, tính cả thu nhập chỉ trên dưới 5 triệu đồng, thời gian thì bị "ngốn" sạch cho việc đứng lớp, soạn bài, hoàn thiện hồ sơ cùng hàng loạt công việc không tên khác.
Th. rơi vào "3 không": Không có thời gian để học nâng cao, không có thời gian làm thêm và cái khổ nhất là không tiền.
Mức thu nhập không đủ để cô trang trải tiền trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt, quần áo cùng nhiều khoản phát sinh khác. Những khi cần các khoản chi như mua xe máy, cưới hỏi, chữa bệnh... cô lại phải gọi về xin bố mẹ hoặc vay mượn.
Từ thế bế tắc "bỏ không được, ở không xong" với nghề giáo, dịch Covid-19 đã đưa đẩy Th. đến với công việc "làm ô sin cho nhà giàu".
Thời điểm đó, khi học sinh nghỉ học tránh dịch, Th. thấy nhiều gia đình có nhu cầu tìm người giữ trẻ, chăm sóc trẻ tại nhà. Cô mày mò và kết nối được với một gia đình ở quận 2 cũ cần người giữ hai đứa trẻ 6 và 4 tuổi.
Biết Th. tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, chủ nhà giao cho cô kiêm luôn việc kèm cặp ngoại ngữ cho con với chi phí 1,2 triệu đồng/ngày, bắt đầu từ 7h sáng đến 5h30 chiều. Hàng ngày, Th. đến chăm lo việc ăn uống, mọi sinh hoạt cá nhân cho hai đứa trẻ và đọc sách, nói chuyện với chúng bằng tiếng Anh.
Đó là đầu tiên trong cuộc đời, Thủy biết đến "mùi vị" của mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Cô sống xông xênh, có thể mua những thứ mình cần và còn có tiền gửi về cho bố mẹ. Với công việc này, Th. cũng sắp xếp được thời gian học cao học nhẹ nhàng hơn.
Th. cho hay, sau dịch cũng là lúc cô chính thức bỏ việc ở trường học. Th. tiếp tục công việc cho gia đình trên nhưng chuyển sang vào buổi chiều tối sau giờ hai đứa trẻ từ trường về. Ngoài nói chuyện, kèm cặp việc học, Th. đưa hai đứa trẻ đi chơi, đi bơi hay đưa đón đến các lớp học nhạc, vẽ... cho đến khi chúng đi ngủ.
Hai ngày cuối tuần, Th. còn nhận trông giữ, trò chuyện với trẻ cho con của một gia đình khác cùng khu dân cư cao cấp này. Mức lương Th. nhận được ở đây là 10 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập hàng tháng của cô đạt mức 30 triệu đồng.
Với lịch làm việc này, Th. vẫn thu xếp được thời gian vào ban ngày để học hoặc làm những gì mình thích.
Th. tiết lộ, làm việc cho giới nhà giàu, đặc biệt là công việc liên quan đến con cái của họ rất áp lực. Tiêu chuẩn của họ rất cao, đặc biệt về việc đảm bảo an toàn cũng như cách thức giao tiếp, tương tác với đứa trẻ đòi hỏi người làm phải thật kiên nhẫn.
Th. thường xuyên học nâng cao, đọc thêm nhiều sách tâm lý và nhất là nhắc mình luôn có thái độ cầu thị, lắng nghe và tiếp nhận những góp ý từ chủ nhà.
Cô gái cho hay, làm việc trong môi trường của người giàu, cô cũng có nhiều cơ hội việc làm khác. Bà chủ nhà của cô là Phó giám đốc tại một công ty sữa nổi tiếng, nhiều lần đề nghị giới thiệu cô vào công ty làm việc.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Th. đang rất thoải mái với vai trò "bảo mẫu", cô muốn học xong cao học rồi mới tính tiếp hướng đi khác.
Trường học cạnh tranh không nổi với... nhà giàu
Vào cuối năm 2022, báo cáo của phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho thấy lương giáo viên rất thấp, giáo viên mới ra trường có mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi số tiền dạy nghĩa vụ cao với 23 tiết/tuần.
Sau đó, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu có bổ sung thêm con số 3 triệu đồng được đề cập trong báo cáo chỉ mới là mức lương hàng tháng. Bên cạnh đó, còn có các khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập của giáo viên mới ra trường khoảng 5 triệu đồng.
Mức thu nhập này theo lãnh đạo Sở là thấp trong điều kiện chi phí sinh hoạt đắt đỏ hiện nay.
Xuất phát từ việc lương thấp, áp lực công việc lớn nên các địa phương rất khó tuyển giáo viên tiếng Anh cũng như tình trạng giáo viên trẻ nghỉ việc. Ngoài việc thiếu nguồn tuyển còn là thực trạng những người có trình độ tiếng Anh thường lựa chọn đi làm bên ngoài nhiều hơn tham gia công tác giảng dạy tại trường học.
Ngoài ra, các bộ môn đặc thù khác như tin học, âm nhạc, mỹ thuật... cũng trong tình trạng không tuyển nổi người hoặc tuyển được thì lại "rơi rụng".
Với chuyên môn của mình, giáo viên có thể ra ngoài đi làm thêm tại các trung tâm, cơ sở, lớp học nhỏ lẻ hay là kèm học tại nhà với mức thu nhập gấp nhiều lần với thời gian làm việc linh hoạt hơn.
Quản lý giáo dục tại một quận ở TPHCM cho hay, trường học với mức lương thấp, công việc lại chiếm nhiều thời gian, áp lực rất khó cạnh tranh với các đơn vị bên ngoài và với ngay các gia đình có điều kiện, giàu có.
Ông đã từng chia tay nhiều giáo viên trẻ dạy mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh bỏ trường học đi dạy vẽ, dạy ngoại ngữ tại các trung tâm, đi hát ở các đám ma, đám cưới, về bán hàng online hay đi làm bảo mẫu cho các gia đình...
"Làm công việc tự do là xu hướng của nhiều bạn trẻ hiện nay, giúp các bạn thoải mái vùng vẫy, thu nhập lại ổn. Nhiều em đi rồi quay lại nói với tôi: "Lương cao, khỏe và đỡ cực hơn thầy ơi!".
Theo Hoài Nam / Dân Trí