Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là một dự án quan trọng của Việt Nam về phòng, chống HIV/AIDS và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Thời gian qua dưới dự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của tất cả các tổ chức xã hội, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động dự phòng được mở rộng như các chương trình bao cao-su, bơm kim tiêm, methdone, mở rộng và tăng nhanh số lượng người bệnh AIDS được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV).
Về công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã làm rất tốt, huy động sự tham gia của không chỉ ngành y tế và các ban ngành, các cấp và các tổ chức cộng đồng cùng làm truyền thông. Hình thức truyền thông cũng rất đa dạng, phong phú, không chỉ là truyền thông trên các phương tiện đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo in hoặc tổ chức truyền thông trực tiếp.
Đặc biệt là nhanh nhạy trọng sử dụng mạng xã hội (website; facebook; tik tok…) đối với công tác truyền thông. Nhờ vậy, đến nay hầu hết người dân đã có những hiểu biết cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cũng đã giảm đi rất nhiều.
|
Các tổ chức cộng đồng đóng góp vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh minh họa). |
Việt Nam cũng đã triển khai rất tốt các hoạt động can thiệp giảm hại: Phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt gần đây tập trung nhiều các can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Mỗi năm, hàng chục triệu bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát miễn phí. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cũng đã được mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Hiện nay, có hơn 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng methadone. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho hơn 40.000 khách hàng. Điều này giúp giảm đáng kể việc lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Thời điểm cao nhất đỉnh dịch (vào những năm 2000) tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy vào khoảng xấp xỉ 30% thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 10%.
Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mỗi năm có tới hơn 1 triệu test HIV được triển khai không chỉ ở hệ thống y tế mà ở cả cộng đồng và do chính các tổ chức cộng đồng thực hiện.
Về điều trị HIV/AIDS: Hiện có 167.022 người đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV và hiệu quả rất cao. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Với hiệu quả này thì không chỉ giúp người bệnh khỏe mạnh mà còn giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng, thậm chí không làm lây truyền HIV cho bạn tình của mình. Ngoài ra Việt Nam cũng đang triển khai điều trị viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị Methadone. Với tỷ lệ khỏi bệnh đạt tới 97,4%.
|
Ông Randolph Augustin - Giám đốc Chương trình Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trình bày về vai trò các tổ chức xã hội tại Hội thảo về tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức. |
Với sự liên tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đã kiểm soát được dịch HIV/AIDS. Nhiều năm liền tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Cùng với đó chương trình phòng chống HIV/AIDS đã giúp cho khoảng 950.000 không bị nhiễm HIV và hơn 300.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Thực tế trong các kết quả phòng, chống HIV/AIDS kể trên, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có các tổ chức xã hội đóng góp không nhỏ.
Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thu Giang - Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết, các nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO) hoạt động phòng chống HIV/AIDS là những nhóm xuất thân từ cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), người có HIV (NCH), phụ nữ bán dâm (SW)...
Hiện nay có khoảng 400 CBO lớn nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm những CBO được hỗ trợ và không được hỗ trợ từ các dự án phòng chống HIV. Các CBO này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ cho cộng đồng đích, xét nghiệm và kết nối điều trị HIV, hai yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình của người có HIV và trong cộng đồng.
Thời gian gần đây, CBO còn cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Các báo cáo Quốc gia cho thấy, CBO có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ. Một số tỉnh, thành phố có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức cộng đồng thực hiện.
Có thể khẳng định, các tổ chức cộng đồng đóng góp vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS để kiểm soát dịch HIV tại Việt Nam.
Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là một trong những dự án tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ tiếp cận. Dự án VUSTA đã giúp cho nhiều trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế.
Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Do đó, dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.
Khánh Hoài