Với những chị em đang băn khoăn về cuộc sống sau hôn nhân, đặc biệt là mối quan hệ “mong manh” với mẹ chồng thì những câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ khiến mọi người trở nên thiện cảm hơn...
Mẹ chồng theo nàng dâu về ngoại ở cữ
Lấy chồng đến nay đã bước sang năm thứ 5, không quá dài nhưng cũng đủ để cô gái trẻ Vân Anh cảm nhận được hết những ngọt bùi, cay đắng của cuộc sống hôn nhân. Trong rất nhiều những điều tuyệt vời mà cô nhận được từ gia đình thứ hai của mình, mẹ chồng luôn là người mà cô đặc biệt kính trọng và yêu quý.
Vân Anh lấy chồng sớm, vợ chồng không tránh được những lúc cãi vã, nhiều khi còn viết đơn li dị hay gập quần áo đòi về nhà mẹ đẻ, nhưng mỗi lần như vậy đều có mẹ chồng đứng ra giúp bọn mình hòa giải và dàn xếp. Vân Anh đã rất cảm động khi tận mắt chứng kiến cảnh mẹ chồng ra thắp hương cầu xin bình an, khấn vái tổ tiên cho hai vợ chồng mau làm lành. Cho đến giờ nghĩ lại, cô mới thấm thía rằng nếu không nhờ có bà can ngăn, khuyên bảo thì có lẽ tổ ấm của cô đã “tan cửa nát nhà” từ lâu.
|
Vân Anh và mẹ chồng rất thân thiết trong cuộc sống hàng ngày. |
Cưới được ít lâu thì hai vợ chồng Vân Anh lần lượt đón hai thiên thần nhỏ chào đời. Lúc này, áp lực về việc chăm con đôi lúc khiến đôi vợ chồng trẻ nhiều phen lao đao. Vân Anh lấy chồng xa nhà 60 km, thương con dâu thiệt thòi nên mẹ chồng luôn cố gắng bù đắp cho con nhiều nhất có thể. Ngày Vân Anh sinh con đầu lòng, cô bị tai biến nhẹ khiến chân bị liệt tạm thời, không đi lại được. 6 ngày nằm viện là 6 ngày mẹ chồng túc trực ở bên cạnh chăm bẵm từng bữa ăn, giấc ngủ, ngay cả những chuyện tế nhị như đi vệ sinh, bà cũng không ngại, miễn sao con dâu nhanh khỏe và cảm thấy thoải mái. Ngày Vân Anh xuất viện về ngoại ở cữ cũng có mẹ chồng đi theo chăm sóc suốt chặng đường trên xe và những ngày vất vả ở quê cho tới khi con hoàn toàn bình phục.
5 năm chung sống, có lẽ hiếm cô con dâu nào phải “bức xúc” thay mẹ chồng khi hàng ngày chứng kiến bà vất vả ngược xuôi lo cho các con, đến mức các con muốn thuê người giúp việc cho mẹ đỡ vất vả nhưng bà từ chối, chỉ nhẹ nhàng cười bảo rằng mẹ muốn sau này các con sẽ yêu thương lại mẹ như thế. Sự tần tảo và đạo đức của bà không chỉ khiến con cái trong nhà nể phục mà ngay cả những người hàng xóm sống cùng trong khu phố đều yêu mến.
Mẹ chồng cưng nàng dâu như con đẻ, về chung phe “nói xấu” chồng
Cũng là một trong những trường hợp “làm dâu nhẹ như lông hồng” giống như Vân Anh, Phạm Hà My được không ít chị em nể phục nhờ bài viết về mẹ chồng mà ai đọc cũng phải ghen tị. My kể ngay từ những ngày đầu tiên gặp mẹ, cô đã có cảm tình bởi tính bà trẻ trung như thanh niên, lại hết sức thương con, chu đáo.
Tốt nghiệp cấp 3, My và ông xã cùng lên Hà Nội học Đại học. Trong mấy năm trời, một tay mẹ chồng kho gà, cá, bò và những món tẩm bổ gửi lên chăm hai con. Với nàng dâu tương lai, bà chăm chút đến từng thứ nhỏ và tế nhị nhất. Học xong Đại học thì My và ông xã cùng về Hải Phòng và làm đám cưới. Những ngày My mang bầu cô con gái đầu lòng cũng là chuỗi ngày sung sướng mà “ít ai bì kịp với sự chu đáo của mẹ chồng”. Hai vợ chồng My được ở riêng một nhà, mỗi ngày mẹ chồng lại chuẩn bị một món bổ khác nhau, chẳng hôm nào giống hôm nào rồi lại mang xuống tận nhà cho con dâu. Đến cả những hôm trời mưa bão to, chồng My đi vắng không có ở nhà, chỉ vì lo con dâu bỏ bữa sáng mà mẹ chồng lại tự tay đi mua và mang đến tận nơi gọi My ra mở cửa lấy.
|
Mẹ chồng luôn coi Hà My như con đẻ. |
|
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của nàng dâu Hải Phòng. |
Cuộc sống của một nàng dâu đối với Hà My trong thời điểm hiện tại sẽ khiến nhiều chị em phải mơ ước. Bởi tiếng là có con nhỏ nhưng ông bà nội lại cưng chiều và quấn cháu còn hơn bố mẹ. Mỗi khi bận việc, hai vợ chồng lại gửi con ngủ luôn ở nhà bố mẹ chồng. Hôm nào đến đón con về là mẹ chồng lại thủ thỉ: “Mẹ nhớ cháu lắm, nằm cả tối mà không biết làm gì cả”, vậy là vợ chồng lại đưa con lên bà. Có hôm, hơn 11h đêm rồi, ông bà vẫn đi xe xuống tận nhà đón cháu lên vì nhớ.
Ban ngày bận rộn với công việc, mỗi khi chiều đến, My lại có thói quen chờ điện thoại của mẹ: “Chiều nay đi… nhậu không con?”. Lý do là bởi nhà chồng thường có thói quen ăn tối ở ngoài, bố chồng có việc riêng, nên cứ mỗi buổi chiều, mẹ chồng và hai vợ chồng lại cùng nhau đi ăn, cứ như thế mấy năm trời.
Sống ở nhà chồng, những ngày giỗ chạp, Tết lễ có lẽ là một trong những nỗi ám ảnh với các nàng dâu. Nhưng với My thì mọi việc khác hẳn, hai vợ chồng ở riêng, công việc lại bận rộn nên mẹ chồng cũng hết sức thông cảm, thường thì cứ đến giờ là hai vợ chồng chỉ còn việc lên thắp hương và ăn giỗ.
Nói về cuộc sống viên mãn của mình trong hiện tại, nàng dâu 9X cho rằng có một người mẹ chồng tuyệt vời là sự may mắn lớn của bản thân bởi Hà My hiểu rằng trên đời không thiếu những người tốt hơn mình ở mọi mặt nhưng họ lại không có được hạnh phúc như thế.
Mẹ chồng vẽ chân dung tặng, ủng hộ nàng dâu mỗi năm ăn Tết một nhà.
Nàng dâu Vũ Ngọc Bích (25 tuổi) hiện đang là nhạc sỹ, cô giáo dạy piano còn mẹ chồng của cô cũng là một gương mặt khá nổi tiếng – họa sỹ Đặng Ái Việt (69 tuổi). Bác Việt từng khiến nhiều người nể phục vì hành trình xuyên Việt thực hiện bộ sưu tập chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Ngày Ngọc Bích mang bầu gần 8 tháng, đích thân mẹ chồng vẽ chân dung tặng nàng dâu và đem triển lãm bức tranh vào đúng ngày 8/3 tại triển lãm thành phố. Bích kể khi mới yêu anh xã và nghe về cuộc hành trình ngược xuôi đất nước vẽ chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của bà, cô đã rất cảm phục, bởi tuổi tác, sức khỏe của bà không như những người trẻ tuổi nhưng vẫn kiên nhẫn đi chiếc xe máy chali rong ruổi hàng trăm cây số mỗi ngày để vẽ.
|
Ngọc Bích và mẹ chồng cách nhau tới 44 tuổi nhưng vẫn rất thân thiết và hiểu ý nhau.
|
|
Gia đình nhỏ mà Bích luôn trân trọng. |
Trong cuộc sống hàng ngày, tuy mẹ chồng nàng dâu chênh nhau tới 44 tuổi nhưng lại khá hợp nhau, mỗi khi nói về tình yêu, bí kíp gia đình thì có thể hàng giờ mà không chán. “Về việc nhà thì má rất dễ tính, mình vốn nết hậu đậu, trước khi cưới chồng mới tập nấu ăn nhưng chưa một lần nào bà chê cơm của con dâu. Còn rửa bát thì bà luôn nhắc con trai làm, nhưng cũng hên là chồng mình dù không ai nhắc cũng tự động rửa chén bát cho vợ”, Bích tự hào kể.
Một trong những điều mà khá nhiều người phải ghen tị với Bích, đó là dù lấy chồng ở xa nhà đến hơn ngàn cây số nhưng mỗi năm Bích lại được thử cảm giác ăn Tết ở một nơi mà không cần nặng nề việc nhất định phải đón Giao thừa tại nhà chồng. Cô kể ngày mới về làm dâu, mẹ chồng đã nói: năm nay ăn Tết bên nội thì năm sau bên ngoại cho bố mẹ vui, có cô con gái cưới chồng xa, Tết cũng mong được gặp con lắm đấy! Chính sự thông cảm này đã khiến nàng dâu Bắc vô cùng cảm động.
Nhắc đến mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng nàng dâu trong nhà, Bích cho rằng điều quan trọng là cần phải suy nghĩ thoáng để “ghét hóa thương”: “Bí kíp của mình đơn giản là: Mình yêu mẹ chồng như yêu chính mẹ đẻ thì mẹ chồng cũng sẽ coi mình như con gái. Cho đi ắt sẽ nhận lại. Chỉ vậy thôi”.
Theo Trithuctre