Từ ngày 22/6 đến ngày 24/6, tại các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ tiếp tục có nắng nóng, thậm chí nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ từ 36 - 39 độ C, thậm chí có nơi lên trên 39 độ C. Riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nền nhiệt độ, nắng nóng đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ từ 37 - 40 độ C, có nơi từ 41 - 42 độ C.
Hà Nội cũng sẽ chịu ảnh hưởng của nắng nóng, với nền nhiệt trung bình từ 37 - 39 độ C, thậm chí có nơi trên 39 độ C.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiệt độ cao gây ra 618 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ. Trên thực tế, các vấn đề sức khỏe liên quan tới nhiệt hoàn toàn có thể tránh được. Tình trạng kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể không có khả năng tự làm mát. Thông thường, đổ mồ hôi giúp điều hòa nhiệt độ và nếu môi trường xung quanh quá oi bức, quá trình tự làm mát này sẽ chịu ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây kiệt sức do nhiệt
Sốc nhiệt và kiệt sức do nhiệt là 2 bệnh nguy hiểm liên quan tới nhiệt độ cao, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Sốc nhiệt xảy ra do cơ thể mất khả năng kiểm soát nhiệt độ và quá trình làm mát thông qua đổ mồ hôi không đem lại hiệu quả. Theo CDC, khi gặp phải tình trạng này, nhiệt độ cơ thể có thể tăng tới 41 độ C chỉ trong 10 phút và gây tử vong hoặc tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Trái lại, kiệt sức do nhiệt không nguy hiểm bằng sốc nhiệt, thường xảy ra sau vài ngày tiếp xúc với nhiệt độ cao và không bổ sung đủ nước.
Mặc dù mọi người đều có thể bị kiệt sức vì nắng nóng, tình trạng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi và mắc huyết áp cao. Samantha Smith, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ y học thể thao tại Trường Y Yale cho biết, cơ thể sản sinh ra lượng nhiệt gấp 20 lần bình thường khi tập thể dục. Do đó, những người thường xuyên vận động dưới trời nóng có nguy cơ cao phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe liên quan tới nhiệt độ cao.
Những người thừa cân, đang mang thai, uống rượu hoặc mắc một số bệnh như bệnh tim mạch cũng cần lưu ý tới sức khỏe của bản thân khi làm việc trong môi trường nóng. Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc cũng có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể đối với nhiệt độ cao.
Dấu hiệu nhận biết kiệt sức do nắng nóng
May thay, kiệt sức do nhiệt có một số dấu hiệu nhận biết và nếu để ý, bạn có thể dễ dàng ngăn ngừa tình trạng này. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm đổ nhiều mồ hôi, xanh xao, chuột rút, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn và ngất xỉu.
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng kiệt sức do nhiệt nào ở trên, bác sĩ Smith khuyên, bạn nên làm mát cơ thể càng nhanh càng tốt. Hãy bắt đầu bằng việc nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ, có bóng râm, nằm ngửa và kê hai chân lên cao hơn so với trái tim. Nếu có thể, mọi người nên tắm nước mát hoặc đắp khăn ướt lên da. Bạn cũng đừng quên cởi bỏ bớt quần áo để không khí dễ lưu thông.
Biện pháp ngăn ngừa kiệt sức do nắng nóng
Giữ nước là yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình tự làm mát của cơ thể diễn ra bình thường. Hãy tăng cường nước hoặc nước uống thể thao và tránh sử dụng đồ uống chứa cafein, có cồn vì chúng dễ gây mất nước. Các chuyên gia cũng lưu ý uống ít nhất hai cốc nước trước khi bắt đầu tập thể dục ngoài trời khoảng nửa giờ và uống một cốc sau mỗi 30 phút vận động. Nếu thực hiện các bước này không đem lại hiệu quả, những triệu chứng vẫn tiếp diễn sau hơn một giờ hoặc chuyển biến xấu đi, bạn cần đi cấp cứu ngay lập tức.
Trên thực tế hiện nay cũng có không ít cách ngăn ngừa kiệt sức do nhiệt như mặc quần áo thoáng mát khi ra ngoài trời nóng. Nếu bạn phải vận động trong môi trường có nhiệt độ cao, hãy bổ sung chất lỏng thường xuyên. Những người khỏe mạnh có thể thích nghi với việc tập luyện và sống trong môi trường nóng. Tuy nhiên, điều này cần một chút thời gian, tối thiểu là 5 ngày.
Việc làm quan trọng khác là lưu ý tới thời tiết trong ngày và lựa chọn khoảng thời gian phù hợp. Hãy cố gắng tập thể dục vào thời điểm mát mẻ như buổi sáng hoặc buổi tối. Đồng thời, mọi người đừng quên tăng cường nước và thay quần áo ướt mồ hôi sau khi kết thúc tập luyện. Nhìn chung, theo bác sĩ Smith, hãy chú ý đến cơ thể của bạn, đặc biệt là trong môi trường nóng và ẩm ướt.
Theo Mai Nhung/ Báo Dân sinh