Ngoài Tiền liệt vương, Dược Tuệ Linh còn dính sai phạm gì?

Google News

(Kiến Thức) - Cục An toàn thực phẩm thông báo quyết định xử phạt Công ty TNHH Tuệ Linh 35 triệu đồng, vì vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng Tiền liệt vương. Trước đó, công ty này đã từng bị phạt một số sản phẩm chủ đạo khác. 

Ngoai Tien liet vuong, Duoc Tue Linh con dinh sai pham gi?
Công ty Tuệ Linh vừa bị phạt 35 triệu đồng vì vi phạm quảng cáo sản phẩm Tiền liệt vương
Tháng 1/2015, Công ty Tuệ Linh bị xử phạt do thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên giải độc gan Tuệ Linh, Dầu tỏi Tuệ Linh Garlic Oil trên website tuelinh.vn khi chưa được Cục ATTP xác nhận nội dung quảng cáo.
Cũng trong năm này, Dược phẩm Tuệ Linh lại bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tuýt còi và xử phạt vì không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho 04 sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty theo quy định.
Năm 2016, vào tháng 8, căn cứ Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục xử phạt hành chính Công ty TNHH Tuệ Linh vì quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giải độc gan Tuệ Linh không phù hợp với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Mức phạt lần này là 25.000.000đ.
Công ty TNHH Tuệ Linh, địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 29T1 đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là một trong những công ty dược phẩm lớn của miền Bắc. Công ty có nhiều nhãn hàng được quảng cáo như Giải độc gan, Cà gai leo, Dầu tỏi, Dầu gấc, Sâm nhung cường lực…
Qua xâu chuỗi từ các quyết định xử phạt của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, các sản phẩm chủ đạo của Công ty Tuệ Linh trong thời gian gần đây đều có những vi phạm nhất định về kiểm nghiệm, quảng cáo không đúng…
Trao đổi về tình trạng xử phạt của các công ty dược phẩm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm lỗi quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm để thu hút người dùng, thậm chí quảng cáo “thần thánh” như loại thuốc chữa bách bệnh là rất nguy hiểm.
Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, Cục An toàn thực phẩm đang tiếp tục triển khai hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo Kế hoạch số 315/KH-BCĐTƯATTP của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương và Kế hoạch số 402/KH-BYT triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế năm 2018; Xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Kết quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công khai cơ sở vi phạm sẽ được cập nhật trên website vfa.gov.vn.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng... Cục An toàn thực phẩm sẽ tăng cường các biện pháp xử lý sai phạm của các doanh nghiệp trong việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng.
Hiền Trần