Chính vì điều này mà 2 con của chúng tôi rất sợ bố và không muốn gần bố, tôi cũng cảm thấy cuộc sống gia đình rất ngột ngạt.
Mọi việc từ mua sắm đồ đạc đến mua ô tô, mua nhà chồng tôi tự quyết và chưa bao giờ hỏi ý kiến vợ, tôi phàn nàn thì chồng tôi bảo “đàn bà biết gì mà bàn bạc, những chuyện ấy cứ để đàn ông lo”. Ngay cả chuyện học hè của con, anh ấy cũng tự đăng ký các môn từ năng khiếu đến văn hóa chứ không hề hỏi xem các bé muốn học gì.
Chồng tôi coi vợ con như những đứa trẻ để quản lý và áp đặt, dù có mắng oan hay làm gì sai cũng chưa một lần anh ấy nói lời xin lỗi. Thường ngày khi đi làm về đến nhà, buông cái chìa khóa xe là anh vớ cái điều khiển ti vi, trong khi vợ tắm rửa cho con, rồi cơm nước, đến lúc bưng mâm cơm ra là anh ngồi vào ăn. Ăn xong thì vợ vừa cho đứa lớn học vừa ôm đứa bé, anh lại nằm chơi game, lướt Facebook cho đến lúc đi ngủ.
Có những lần tôi góp ý: "Anh ạ, các con còn nhỏ, đi làm về anh tranh thủ chơi với con sẽ gắn bó tình cảm cha con hơn". thế nhưng chồng tôi cáu: “Trong nhà phải có một người nghiêm khắc thì chúng nó mới sợ, ai cũng tình cảm thì sao dạy được con”.
Vì muốn gia đình êm ấm nên tôi nhẫn nhịn, nhưng tôi thấy mình càng nhịn thì chồng càng làm tới. Mọi người hãy cho tôi lời khuyên. (Mai Lan, 35 tuổi, Hà Nội)
|
Chồng tôi coi vợ con như những đứa trẻ để quản lý và áp đặt. (Ảnh minh họa). |
Anh Đăng Bình (45 tuổi) tư vấn:
Đàn ông ít nhiều đều có tính bảo thủ, gia trưởng nhưng mỗi người ở một mức độ khác nhau. Và theo tôi, một anh chồng gia trưởng lỗi cũng tại vợ nhu nhược, không biết cách phản đối, không biết bảo vệ chính kiến của mình và nhất là không biết thể hiện cái tôi của mình.
Bạn đang mắc một sai lầm nghiêm trọng là nhẫn nhịn chồng, chính vì bạn luôn tỏ vẻ cam chịu, chấp nhận vô điều kiện nên thói chỉ tay năm ngón, gia trưởng và sai vặt của chồng bạn mới được thể “tác oai tác quái”.
Nói vậy không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên phản ứng lại với tính gia trưởng của mình bằng cách cãi tay đôi với chồng, bởi cãi qua cãi lại với mấy anh chồng kiểu này là vô ích. Nên dùng chiêu, nói ít nhưng nói theo kiểu khẳng định: “Em thì cho là... em thấy vậy là không hợp lý... theo em là vậy...” nói ngắn gọn nhưng rõ ràng và dứt khoát xong là ngưng ngay, làm thinh, kệ cho chồng nói gì thì nói, chẳng thèm tranh luận nữa.
Nếu bạn thể hiện cho thấy rõ anh nói gì mặc anh tôi không quan tâm, anh muốn thì anh đi mà làm chứ tôi không làm, tôi có quyền cá nhân của mình dù có chồng hay là bố mẹ cũng không có quyền áp đặt tôi được. Vợ “cứng” như vậy thì chồng gia trưởng làm sao nổi.
Theo Phong Linh/Người Đưa Tin