Người bị bệnh viêm phổi nên ăn thế nào?

Google News

Người bị bệnh viêm phổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để không gây hại cho sức khoẻ.

Nhiễm trùng gây viêm túi khí trong phổi, thường gọi là phế nang. Chất dịch hoặc mủ trong phế nang có thể gây khó thở cũng như sốt, ho và ớn lạnh, theo The Health Site.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Viêm phổi xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và người già trên 65 tuổi vì có hệ miễn dịch yếu.

Đây là căn bệnh đe dọa tính mạng và do đó cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng viêm phổi gồm đau ngực, khó thở, ho, mệt mỏi, sốt và ớn lạnh, buồn nôn và nôn.

Hãy nhớ rằng không có biện pháp khắc phục tại nhà hay loại thực phẩm nào có thể chữa viêm phổi. Mà cần phải điều trị ở bệnh viện bằng thuốc thích hợp.

Việc đưa vào khẩu phần ăn những thực phẩm bổ dưỡng có thể giúp tăng tốc độ phục hồi sau giai đoạn quan trọng ban đầu, theo The Health Site.

Thêm các thực phẩm bổ dưỡng sau vào chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm phổi.

Nhưng cần lưu ý, bản thân các loại thực phẩm này không thể chữa lành bệnh viêm phổi, mà chỉ có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình chữa khỏi bệnh, nên phải ăn kèm với uống thuốc theo toa bác sĩ.

Người bệnh viêm phổi nên ăn gì?

Thực phẩm giàu protein

Protein (hay còn gọi là chất đạm) là thành phần thiết yếu giúp hình thành, duy trì, tái tạo cơ thể. Nếu thiếu protein dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, hay mắc bệnh do sức đề kháng giảm.

Protein có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các mô các tế bào bị tổn thương và sản sinh ra các mô tế bào mới. Đối với người bệnh viêm phổi, việc tăng cường cung cấp protein sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể.

Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ... Chọn những thực phẩm ít chất béo như thịt gia cầm không da, thịt trắng, các loại đậu. Hạn chế ăn thịt đỏ vì có thể làm tăng tình trạng viêm.

Thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A có vai trò quan trọng để tăng sức đề kháng cho cơ thể và chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, trong đó có viêm phổi. Vitamin A cũng giúp bảo vệ sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp.

Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A như: các loại rau màu xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống, rau xà lách, rau diếp); các loại củ quả có màu đỏ, vàng (gấc, bí đỏ, hồng, xoài, đu đủ). Khi chế biến thức ăn cần cho thêm dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.

Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh viêm phổi.

Nên chọn các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh...; các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối…

Nếu người bệnh mệt mỏi, khó ăn, có thể uống các loại nước ép trái cây và rau quả tươi cũng rất tốt cho bệnh nhân viêm phổi.

Ăn lỏng, uống nhiều nước

Bệnh nhân viêm phổi cần được nghỉ ngơi, ăn lỏng và uống nhiều nước. Thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo, súp giúp bệnh nhân dễ ăn và dễ tiêu.

Cung cấp đủ nước có tác dụng làm loãng đờm, dịu họng, giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra. Nhu cầu nước hằng ngày của cơ thể là 2 lít/ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây, sữa...). Nếu người bệnh sốt cao cần uống oresol để bù nước và điện giải.  

Theo Hướng Dương/Tiêu dùng