Bệnh gút là gì?
Gút là một loại viêm khớp có triệu chứng đau đột ngột, sưng và viêm khớp. Gần một nửa các trường hợp bệnh gút ảnh hưởng đến các ngón chân, các trường hợp khác ảnh hưởng đến ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Các triệu chứng bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất thải do cơ thể tạo ra khi tiêu hóa một số loại thực phẩm. Khi nồng độ axit uric cao, tinh thể của nó có thể tích tụ trong khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
Các cuộc tấn công của bệnh gút thường xảy ra vào ban đêm. Hầu hết những người mắc bệnh đều gặp phải các triệu chứng này vì cơ thể họ không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả, khiến axit uric tích tụ, kết tinh và tồn tại trong các khớp.
Những trường hợp khác bị bệnh gút vì cơ thể họ tạo ra quá nhiều axit uric do di truyền hoặc chế độ ăn uống của họ.
Thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh gút như thế nào?
Nếu bạn bị bệnh gút, một số loại thực phẩm có thể kích hoạt cơn gút cấp tính bằng cách tăng nồng độ axit uric.
Thực phẩm kích hoạt cơn gút cấp thường có nhiều purin, một chất tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm. Khi cơ thể bạn tiêu hóa purin, cơ thể sẽ tạo ra axit uric như một chất thải. Đây không phải là mối quan tâm lớn đối với những người khỏe mạnh, vì người không mắc bệnh có khả năng loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, những người bị bệnh gút không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả. Do đó, chế độ ăn nhiều purin có thể khiến axit uric tích tụ và gây ra cơn gút cấp đối với bệnh nhân gút. May mắn thay, các nghiên cứu cho thấy việc hạn chế thực phẩm có hàm lượng purin cao và dùng thuốc thích hợp có thể ngăn ngừa cơn gút.
Thực phẩm thường kích hoạt bệnh gút bao gồm thịt nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia… do chúng chứa một lượng purin từ trung bình đến cao. Tuy nhiên, có một ngoại lệ cho quy tắc này, nghiên cứu cho thấy các loại rau có hàm lượng purin cao lại không kích hoạt các cơn gút.
Một điều bất ngờ hơn đó là fructose và các đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ bệnh gút và cơn đau do bệnh gút tấn công, mặc dù những thực phẩm này không giàu purine. Thay vào đó, chúng có thể làm tăng nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc một số quá trình tế bào.
Ví dụ, một nghiên cứu bao gồm hơn 125.000 người tham gia cho thấy những người tiêu thụ nhiều fructose nhất có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 62%.
Mặt khác, nghiên cứu trên các sản phẩm sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành và vitamin C cho thấy chúng có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút bằng cách giảm nồng độ axit uric trong máu. Các sản phẩm sữa nguyên béo có hàm lượng chất béo cao dường như cũng không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric.
Những thực phẩm nên tránh
Nếu bạn dễ bị các cơn gút đột ngột, hãy tránh các thủ phạm chính đó là những thực phẩm có hàm lượng purin rất cao, đặc biệt là những thực phẩm chứa hơn 200 mg purin trên 100 gram.
Bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng fructose cao, cũng như các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao vừa phải, chứa 150 - 200 mg purin trên 100 gram, những thực phẩm này đều có thể kích hoạt một cuộc tấn công của bệnh gút.
Dưới đây là một vài loại thực phẩm có hàm lượng purin cao và thực phẩm có hàm lượng fructose cao cần tránh khi bị bệnh gút:
Tất cả các loại nội tạng bao gồm: gan, thận, dạ dày và óc…
Thịt hoang dã bao gồm: thịt gà lôi, thịt bê, thịt nai, rắn, lợn rừng…
Cá: cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết và nhiều hơn nữa
Các loại hải sản khác: sò điệp, cua, tôm, mực và trứng của chúng
|
Bệnh nhân gút cần tránh ăn hải sản - Ảnh minh họa: Internet |
Đồ uống có đường, đặc biệt là nước ép trái cây và nước ngọt có gas
Mật ong, mật hoa và xi rô ngô có hàm lượng fructose cao
Nấm men: men dinh dưỡng, men bia và các chất bổ sung men khác trong làm bánh.
Ngoài ra, nên tránh các loại carbs tinh chế như: bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù chúng không có nhiều purin hoặc fructose, nhưng chúng có ít chất dinh dưỡng và có thể làm tăng nồng độ axit uric của bạn.
Những thực phẩm nên ăn
Mặc dù chế độ ăn kiêng thân thiện với bệnh gút, giúp loại bỏ nhiều loại thực phẩm, nhưng vẫn có rất nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp mà bạn có thể thưởng thức. Thực phẩm được xem là ít purine khi chúng có ít hơn 100 mg purin trên 100 gram thực phẩm.
Dưới đây là một số loại thực phẩm có hàm lượng purin thấp thường an toàn cho người bị bệnh gút:
Trái cây: tất cả các loại trái cây thường tốt cho bệnh gút. Quả anh đào (cherry) thậm chí có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng cách giảm nồng độ axit uric và giảm viêm.
Rau: tất cả các loại rau đều tốt, bao gồm: khoai tây, đậu Hà Lan, nấm, cà tím và rau lá xanh đậm.
Các loại đậu: tất cả các loại đậu đều tốt, bao gồm: đậu lăng, đậu nành...
Các loại hạt: tất cả các loại hạt đều tốt.
Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm yến mạch, gạo nâu và lúa mạch.
Các sản phẩm từ sữa: tất cả các sản phẩm sữa đều an toàn, nhưng sữa ít béo dường như đặc biệt có lợi hơn cả.
Trứng
Đồ uống: cà phê, trà xanh.
Các loại thảo mộc và gia vị: tất cả các loại thảo mộc và gia vị.
Dầu thực vật bao gồm dầu canola, dầu dừa, dầu ô liu và dầu hạt lanh.
Thực phẩm có thể ăn ở mức độ vừa phải
Các loại thịt và một số loại cá nhất định có thể được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nên giới hạn ở mức 115 - 170 gram, vài lần mỗi tuần. Chúng chứa một lượng purin vừa phải: từ 100 – 200 mg purin mỗi 100 gram. Do đó, ăn quá nhiều trong số chúng có thể gây ra một cuộc tấn công bệnh gút.
Thịt: thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.
Các loại cá khác, cá hồi tươi hoặc đóng hộp thường chứa hàm lượng purin thấp hơn hầu hết các loại cá khác.
Yêu cầu thực phẩm cho người bệnh gút rất khắt khe vì nó là một trong những nguyên nhân khởi phát đợt cấp của bệnh. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ gắt gao để tránh được cơn đau gút cấp.
Theo Thảo Đỗ/PNSK