Thằng Tý và thằng Tít sinh ra và lớn lên ngay miền sông nước, quanh năm nghe tiếng nước rúc rích thành lời ru. Cha nó là người tận cù lao An Bình, gặp má nó tại một phiên chợ nổi ở Cần Thơ, hai người bén duyên, cha nó người miền tây rám nắng vạm vỡ, còn má được người ta khen là bông bưởi miệt vườn. Đám cưới nghèo, vài mâm cơm, có gia đình hai bên, trời đất chứng cho đôi vợ chồng trẻ. Má nó bỏ con đò quang gánh, bỏ miền Cần Thơ tráng lệ theo cha về cù lao mà sống.
Cuộc sống nghèo cực khổ, nhưng cha chưa để má phải cực một ngày nào: "Bây biết không? Thằng Út nó đi làm quần quật, làm sức của ba bốn người làm, nó không để má bây làm một việc gì..." Bà nội nhai trầu bỏm bẻm rồi ngồi kể lại trong nước mắt. Nhưng, duyên trời đứt gãy, cha nó qua đời khi thằng Tít mới được ba tuổi, thằng Tý năm tuổi nhỏ dại, cha bỏ ba má con ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo.
|
Ảnh minh họa. |
Má thằng Tý là một phụ nữ đẹp, trước giờ sống trong thương yêu cưng chiều của cha, hầu như người phụ nữ ấy, khi mất đi chỗ dựa duy nhất, thế giới hoàn toàn sụp đổ trước chân. Có lẽ, không chịu nổi sự cô đơn, hoặc người đàn bà kia muốn đi thêm một bước để tìm chỗ dựa cho mình, ít lâu sau, chừng bốn năm sau cha nó mất, nhang tàn khói lạnh, má nó lấy người đàn ông xóm trên, đã từng có vợ.
Dượng nó là một người đàn ông không hề biết tới, cuộc đời ông ta chỉ rong ruổi theo những gánh hát dọc theo miền tây, hoặc họa chăng, cũng đi buôn bán, ít khi nào ở nhà. Ngay cả người vợ ông ta khi trước, dân xóm làng chỉ biết là người phụ nữ mảnh khảnh, tóc dài quá lưng, chỉ được gặp trong một buổi ông đưa về, giới thiệu là vợ, rồi ít lâu sau đó, ông về một mình và nói đã thôi vợ.
Không hiểu sao má gặp được dượng, chỉ biết, khi thằng Tý và thằng Tít chọi chim ngoài ruộng về, một người đàn ông cao to, có râu quai nón, hai mắt sụp lại, bàn tay gân guốc nổi lên đang đứng trước nhà nội bưng khay rượu, trà. Rồi thằng Tý thấy bà nội khóc, má nó cũng khóc, bà nội gật đầu một cái, từ đó, người đàn ông lạ đó đưa má nó và anh em nó lên xóm trên, người mà má bắt hai anh em nó: "Từ rày phải kêu dượng nghe chưa!"
Từ đây muốn về nhà nội, đi qua một con sông rất rộng, đứng bên này sông, nhìn qua bên kia, chỉ thấy một màu nước đục của phù sa, chỉ thấy xanh um của những rặng dừa nước. Thằng Tít nhớ nội lắm! Nó nhớ cô Ba lắm, nhớ cả cái Mén hay rủ chơi đồ hàng. Còn thằng Tý nhớ cái ná chim của nó ở nhà cũ, cái nhà lá mà ngày đi, dượng châm lửa đốt đi. Cha nó được má mang về đây thờ, lâu nay, cũng ít thấy má nhang khói cho cha. Thằng Tít bắt đầu khóc, còn thằng Tý, nó muốn khóc, nhưng anh mà, không lẽ em khóc nó cũng khóc theo? Nó giả bộ làm người lớn, ôm em:
“Mày nín đi! Ít bữa nữa tao lớn, tao mượn ghe chèo cho mày về nội chơi nghen?”
“Chừng nào anh Hai lớn?”
“Không lâu đâu, nín đi, con trai ai lại khóc như con gái thế kia”
“Út không phải gái! Út nhớ nội thôi!”
“Nhớ thì cũng nín. Khóc mít ướt quá trời. Đi, tao với mày đi hái lá dừa xếp cào cào chơi”
Phải dụ đến độ đó, thằng Tít mới thút thít, nín khóc hẳn, lon ton chạy sau lưng anh nó. Trước mắt nó, cuộc sống là một màu hồng tươi đẹp, còn những chuyện khác, nó chưa hề bận tâm đến. Mỗi tối, hai anh em ngủ ở chai bếp sau nhà, còn má ngủ trong phòng với dượng. Nhiều khi đang ngủ mà quơ tay trúng củi than trong lò, sáng ra hai anh em nó như hai ông Táo chui khỏi bếp vậy.
Dượng nó lại tiếp tục đi theo những gánh hát, những buôn lái làm ăn xa. Hầu như mùa trăng mới về một lần, má nó ở nhà khi không có dượng thì đi đánh tứ sắc với mấy bà trong xóm. Tít không biết má nó đánh tứ sắc khi nào, mà cũng không biết, má nó sao bỏ cả hai anh em đói meo ruột mà đi chơi. Nó thấy lạ.
Kể từ ngày nó qua đây với má, má nó thay đổi hẳn đi rất nhiều. Hồi còn bên nhà cũ, má hay ôm thằng Tít vào lòng mà nựng yêu: "Mặt thằng Tít này y chang cha mày vậy đó!", mỗi lần nó đi chọi chim hay coi ruộng với nội về, má luôn để phần cơm trắng cho nó, giục nó ăn đi kẻo nguội. Còn nay, thậm chí nó nói nó đói, má nó quát nhặng lên: "Đói tự đi nấu mà ăn! Hai đứa mày lớn rồi chứ nhỏ đâu bắt tao hầu hoài!" Rồi má xách cái giỏ nhỏ, lân la đi chơi tứ sắc hoặc bài Tây với mấy bà không công rồi nghề.
Thằng Tý đi đào khoai hoang, lùi vào rơm nướng lên, chia cho em nó một củ lớn, còn nó ăn củ nhỏ. Ăn xong, chúng nó lại đứng ở mẩu đất nhô ra sông bên này, nhìn sang bên kia, nhìn về những ngày còn nội và những ngày còn được thương yêu.
Dượng về, kéo theo những ngày kinh hoàng về đến. Dượng nói phải ở nhà một thời gian dài, dạo này công an lùng quá. Nghe má nói loáng thoáng, dượng buôn thuốc từ biên giới qua. Còn thằng Tít ngồi co ro dưới bộ ván nghe chuyện. Dượng nó chỉ nằm ở nhà, suốt ngày phơi bụng trên bộ ván hút thuốc phì phèo, nghe mấy bài cải lương rồi chiều lại cùng má đi chơi tứ sắc, bài Tây.
Nó không hiểu, trong trí óc non trẻ không hiểu, dượng và má có quan hệ như thế nào, chỉ thấy má ôm dượng, nói yêu, rồi khoác tay dượng như hồi đó hay làm với cha vậy. Thằng Tý thì học theo mấy bà trong xóm, nói má theo trai, rồi nó quay qua nhìn em nó, vẻ cũng không hiểu, hai anh em lè lưỡi, quên khuấy chuyện trong đầu, đua nhau coi ai chạy nhanh nhất.
Sập tối, dượng về, còn má chắc vẫn mê ở lại. Ông ta lao ngay xuống bếp giở hết nồi này đến nồi kia, sáng má nó không hề đi chợ nấu cơm. Nói đoạn, mắt ông ta đỏ ngầu như máu, quay qua hầm hực với anh em nó:
“Hai đứa mày ở nhà sao không biết nấu cơm?”
“Dạ...má hay nấu. Tụi con hổng biết nấu...”
“Một lũ vô dụng y chang thằng cha của mày vậy!”
Dượng nắm toẹt cái cổ áo thằng Tý rồi kéo tay thằng Tít sền sệt lên nhà trước. Ông ném thằng Tý xuống bộ ván, rồi xách thằng Tít lên theo. Từ sau tủ thờ, ông rút ra cây roi da dài, xước, lăm le đến gần. Thằng Tý ôm em nó, ôm cứng, còn thằng Tít lơ ngơ, chưa biết gì xảy ra cả. Ông ta bắt đầu vụt, chỗ nào cũng vụt, vừa vụt vừa chửi trên đầu từ nội xuống tới cha, những lời thô tục cay độc nghiến sâu vào tâm hồn của thằng Tý. Nó sợ đau, nhưng nó sợ bị chửi hơn sợ đau, nó ngước nhìn bài vị cha mãi không ngớt, nó rớt nước mắt, cha nó có lỗi gì? Thằng Tít bị trúng hai roi do anh nó không ôm trọn được nó, khóc thét lên vì đau. Càng khóc, dượng càng mạnh tay hơn, có lẽ, không phải là ruột thịt nên ông ta đánh không thương tiếc.
Ngày hôm sau, và những ngày sau nữa, thằng Tý phải lau dọn quét tước nấu cơm, nó không để thằng Tít làm, nó thương em nó quá. Những chiều, dọn cơm lên cho má với dượng ăn xong, phần thừa, mới đến lượt nó ăn. Hầu như cơm thừa không nhiều, vét mãi được một chén hơn, nó đưa em nó một chén, còn nó ăn lửng còn lại. Nhìn em nó cắm đầu ăn lấy ăn để, thằng Tý thương em đứt ruột: "Trời ơi! Phải chi cho con lớn đủ cầm nổi cây sào, con sẽ đưa thằng Tít về nội!" Nói đoạn, nó quay đi ra ngoài sau hè, khóc tức tưởi, thấy đau đau trong lòng.
Người ta lại đồn, hồi má nó có thằng Tít được một, hai tuổi, trong một lần về thăm ngoại ở Ninh Kiều, má nó gặp dượng, rồi sinh tư tình, đến khi cha nó mất mới đến chính thức với nhau. Thằng Tít ngồi co ro ở gốc mít sau nhà, nghe thằng Tý kể, mà nó thấy mang máng hiểu. Nghĩa là khi cha còn sống, má đã qua lại với người đàn ông này rồi.
Thằng Tý thì tức, tay nó nắm chặt hình nắm đấm, gân cổ nổi lên, mặt đỏ tía như gà chọi: "Cha hiền quá nên má mới vầy! Chứ thử như ông Chín xóm dưới, bà vợ ra đường lén phén cái là bị trói liền thì má đâu như vầy". Nó vừa nói vừa đưa tay ngắt lá mít, một hồi, lá mít đầy dưới chân, mủ dính tay đen ngòm.
Má nó - một người đàn bà không giữ trọn đạo nghĩa phu thê, không giữ trọn bổn phận làm mẹ thiêng liêng, nhưng thằng Tít, vẫn muốn được sà vào lòng má như ngày nào, được má hôn khắp mặt, má nó thơm lắm! Mùi thơm mà không phải người nào cũng có. Rồi nó dựa gốc mít gác tay lên trán như người lớn, nó bắt đầu suy tư nhiều, bảy tuổi, đáng lẽ nó được đi học, được yêu thương, nhưng cuộc sống nó đã sớm nhuốm màu thua thiệt và éo le.
Hai anh em nó ăn đòn roi nhiều hơn ăn cơm, mỗi lần dượng nó đến sau tủ thờ, thằng Tý bắt đầu khóc, còn thằng Tít, sợ run nhưng không thể khóc trước mắt em nó. Má thấy anh em nó bị đánh mấy lần, lúc đầu, cũng nói đỡ, rồi sau đó, má bầu em Yến, má phớt lờ luôn hai đứa: "Hai thằng này phá như giặc trời! Đánh cho nó chừa!". Thằng Tít ngồi thắc mắc với anh nó:
“Hai ơi! Sao má không bênh anh em mình nữa?”
“Má có bầu, má mệt. Mà tao với mày phá quá má bênh sao được”
“Má có em Yến rồi hổng thương Út nữa hả Hai?”
“Bậy, má mệt thôi. Chứ má thương mày lắm Út”
Thằng Tít dựa vào anh nó ngủ, lâu lâu, những vết thương gặp gió xót, thằng Títkhẽ rùng mình, nhưng thằng Tý xoa xoa, nó ngủ tiếp. Cả đêm, thằng Tý nhai lá thuốc đắp cho em, vừa nhai vừa khóc thầm. Phải chi có nội, nội đã lao vào ôm anh em nó lại, hồi đó cha đánh, nội ôm cháu vừa suýt xoa vừa chửi cha. Cha đánh yêu, đánh khẽ bằng cây roi nhỏ nhưng tần mẫn gọt kĩ nhẵn bóng, cha sợ dầm trong cây đâm vào thịt con. Nó muốn về bên nhà nội, nhưng, con sông dài quá, còn nó thì nhỏ quá, nó bơi qua thì được, còn thằng Tít thì sao? Không lẽ để em nó ở lại. Nghĩ một hồi, nó nằm xuống cạnh em, đưa tay vuốt tóc cháy vàng hung của em nó.
Thằng Tít mê bắt ếch, bồ tọt, nó dầm tàn cây mưa về bệnh nằm sốt run cầm cập. Má đi đánh bài, dượng thì đi qua nhà mấy ông hàng xóm nghe chim hót. Thằng Tý lấy hết áo anh em nó trong túi, choàng lên người em, vẫn nghe thằng Tít kêu lạnh. Nó sốt ruột quá! Em nó chưa được ăn gì ngoài chén cơm hôm qua đến tận giờ.
Ngoài sau bếp, dượng sai nó luộc con gà tí có mấy ông qua nhậu, nước sôi sùng sục, gà chín mềm, nó run quá! Nó muốn xé cho em nó một miếng ăn, nhưng biết là ăn xong, nó và thằng Tít bị một trận nhừ tử. Nó làm sao đây? Em nó phải làm sao đây? Nó đứng dậy, tiến gần bếp, tay nó run run mở nắp nồi, gà thơm quá, thịt mềm, da vàng bóng lưỡn, nó đưa tay vào nồi, nồi đang rất nóng, xé vội cái đùi rồi chạy nhanh lên nhà, đưa vào tay em nó:
“Mày ăn đi! Đi ra ngoài mà ăn! Ăn xong qua cô Tám xin miếng lá thuốc uống. Đi đi!”.
Suốt cả năm qua đây chưa được thấy miếng ngon, nay có nguyên đùi gà đang nóng hổi, thằng Tít chụp vội, bàn tay nó dơ chụp lên miếng ăn cũng bẩn theo, nó không hỏi anh nó đâu ra, nó lao vội ra ngoài, ngoài trời đang mưa lâm râm, chạy một đoạn xa, nó ngồi chồm hổm dưới trời mưa mà ăn ngấu nghiến cái đùi, mưa xói vào miếng thịt lạnh tanh, nhưng, nó vẫn ngồm ngoàm cho vào miệng một cách ngon lành...
Cô Tám cho nó miếng lá thuốc đắng ngòm rồi châm đèn lên cho ấm. Nhìn nó, xót xa:
“Sao mày không về nội mà ở? Ở đây làm gì cho người ta hành hạ?”
“Hai nói hai lớn, hai chèo ghe cho anh em về nhà”
Cô Tám thở dài. Phận con ghẻ con lạnh thì mười đứa, chín đứa bị hất hủi. Cô Tám nhìn thằng nhỏ ốm tong, duy đôi mắt rất sáng, ngồi co ro trên ghế tre đưa tay hơ vào cây đèn lấy ấm mà thấy chạnh lòng. Phận phụ nữ, cô cũng thương lòng trắc ẩn cho người mẹ cô đơn tìm chốn dựa, nhưng, cô cũng ghét cho người mẹ sống buông theo người mới mà nới đi nghĩa tình chồng cũ, ngay cả con mình, còn không dám thương yêu. Cơm sôi réo dưới bếp, cô xới một chén to, gắp cho nó một con cá vàng ươm:
“Nè, ăn đi. Sau này có đói thì qua tao cho ăn”.
Nó nhìn chén cơm, nhìn rất lâu, rồi bẽn lẽn ngỏ lời:
“Cô Tám cho con xin gói về nghen. Nãy con ăn còn no lắm”
“Mày gói về chi cho nguội, ăn được ăn luôn đây đi”
“Con gói về cho Hai của con. Chắc Hai chưa được ăn gì. Nghen cô Tám!”
Tự dưng, cô Tám rớt nước mắt. Cô thương nó quá chừng! Cô đưa tay quệt nước mắt lén, rồi dằn giọng:
“Con ăn đi. Cơm còn nhiều lắm, tí Tám gói về cho Hai con một túi”
Nghe đến đó, thằng Tít mừng ra mặt, nó cầm đũa lên và cơm một cách ngon lành. Cô Tám ngồi vá lại những mảnh áo rách lớn, rồi đưa nó đùm cơm gói trong lá chuối, nó cảm ơn rối rít, ôm bọc cơm trong lòng như vàng, rồi đi khỏi, cô Tám nhìn theo đến khi nào, không còn thấy bóng nó thì mới vào nhà.
Thằng Tít lén lút ngó vào gian nhà trước, ngay trước bài vị cha nó, dượng rút cây roi da ra vụt vào thằng Tý. Mặc cho thằng Tý có khóc thét, quỳ xuống lạy lấy lạy để, trong cơn say, ông ta vẫn mạnh tay mà đánh bất kể chỗ nào: mặt, đầu, tay, chân, lưng rướm máu lằn theo từng vết roi. Thằng Tít sợ lắm! Nó rớt nước mắt mà không biết làm sao kéo anh nó ra khỏi đó, cũng tại nó, cũng do nó nên thằng Tý mới bị đánh.
“Tít! Mày làm gì ngoài đó?”
Nó giật mình, dượng đi liêu xiêu cầm chặt cây roi da trên tay tiến ra cửa, ông ta vừa đi vừa chửi rủa không ngớt lời. Thằng Tít bắm chặt cột nhà, tay nó bấu chặt đến nỗi, đầu ngón tay bắt đầu chảy máu.
“Chạy đi Tít ơi! Mày chạy ngay đi!”
Thằng Tý đang nằm bẹp dưới gạch, máu của nó chảy tứa ra từ các vết roi, nó hét lên, đưa sức lực cuối cùng vẫy tay cho em nó chạy. Thằng Tít nhìn anh nó, lấy hết sức bình sinh chạy thật nhanh đến tủ thờ, nhảy thót lên kéo bài vị cha nó xuống, ôm vào lòng, rồi quay ra cổng, cắm đầu chạy.
Nó chỉ biết chạy, chạy và chạy, những viên sỏi trên đường đâm, cắt vào bàn chân trần non nớt của nó đau điếng, nhưng nó biết, nếu nó dừng lại, thì số phận nó cũng giống như anh nó. Chiều sụp hẳn, bóng nó khuất dần sau bụi tre kéo dài...
Theo Một Thế Giới