Người nhiễm virus Mpox gây bệnh đậu mùa khỉ nên đi xét nghiệm HIV

Google News

Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.

Nguoi nhiem virus Mpox gay benh dau mua khi nen di xet nghiem HIV

Những hạt Mpox (màu đỏ) trong tế bào nhiễm bệnh. Ảnh: National Institute of Allergy and Infectious Diseases.

Theo New York Times, hôm 21/2, các nhà nghiên cứu cho biết virus Mpox (tên mới của virus đậu mùa khỉ) thường gây ra bệnh nặng hơn cho người nhiễm HIV với tỷ lệ tử vong khoảng 15%.

Tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Seattle, nhà nghiên cứu công bố mức độ nghiêm trọng của virus Mpox được đưa vào danh sách các nhiễm trùng cơ hội đặc biệt nguy hiểm đối với người nhiễm HIV giai đoạn nặng.

“Phát hiện này cho thấy rất rõ ràng người nhiễm virus Mpox nên đi xét nghiệm HIV”, tiến sĩ Chloe Orkin, chuyên gia HIV tại Đại học Queen Mary ở London, người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ.

Bà Orkin và các đồng nghiệp đã mô tả kết quả nghiên cứu trên tạp chí The Lancet vào 21/2.

Lý do Mpox làm tăng tỉ lệ tử vong ở người nhiễm HIV

Sự bùng phát của virus Mpox bắt đầu diễn ra vào tháng 5/2022. Mặc dù số ca nhiễm Mpox giảm ở hầu hết khu vực, cho đến nay, nó đã ảnh hưởng tới 86.000 người ở 110 quốc gia và khiến 92 người tử vong. Nhiều nghiên cứu ước tính 40-50% người nhiễm Mpox đang mắc HIV.

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào năm 2022 và quan sát từ các đợt bùng phát trước đó ở Nigeria chỉ ra nhiễm Mpox sẽ nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ tử vong ở người có mức độ HIV cao.

Trong nghiên cứu mới, nhóm bác sĩ lâm sàng quốc tế đã theo dõi 382 người trưởng thành bị nhiễm HIV và Mpox ở 28 quốc gia. Họ phân tích lượng HIV và số lượng tế bào CD4, loại tế bào của hệ thống miễn dịch, ở những bệnh nhân này.

Ở người bình thường, số lượng tế bào CD4 vào khoảng 500-1.500/ml khối máu. Tất cả 27 trường hợp tử vong trong nghiên cứu đều có ít hơn 200 tế bào CD4. Mpox gây tử vong cho gần 30% người có ít hơn 100 tế bào CD4.

Nguoi nhiem virus Mpox gay benh dau mua khi nen di xet nghiem HIV-Hinh-2

Người nhiễm HIV nên được tiêm 2 liều vaccine Mpox dưới da thay vì giữa các lớp da như bình thường. Ảnh: Shutterstock.

Phòng ngừa nhiễm Mpox ở người nhiễm HIV

Bản chất của nhiễm Mpox cũng khác biệt rõ rệt ở bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Trong khi hầu hết người nhiễm Mpox chỉ biểu hiện tổn thương ở vị trí tiếp xúc, người nhiễm HIV lại hình thành các vết lở loét chứa đầy virus khắp cơ thể.

Tiến sĩ Orkin cho hay: “Vết loét xuất hiện ở lưng, chân, trong mắt và khắp mọi nơi. Điều này thật kinh khủng. Đó là do hệ miễn dịch hoàn toàn không thể chứa virus. Nhiều bệnh nhân cũng xuất hiện bướu nhỏ trong phổi, dẫn đến suy hô hấp cấp tính”.

Thêm Mpox vào danh sách các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV sẽ khuyến khích nhân viên y tế xác định cũng như ưu tiên bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất.

Tiến sĩ Orkin cho biết bệnh nhân sẽ cần dùng kháng sinh để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác và nên được tiêm 2 liều vaccine dưới da thay vì giữa các lớp da như bình thường.

Tháng 9/2022, Mỹ đã thêm Mpox vào danh sách các bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra ở người nhiễm HIV.

“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có kế hoạch thảo luận về việc làm tương tự trong vài tháng tới”, tiến sĩ Meg Doherty, Giám đốc chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại WHO, chia sẻ.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người nhiễm HIV có thể không được tiếp cận với vaccine Mpox hoặc phương pháp điều trị Mpox và HIV. Hành động này sẽ giúp nâng cao nhận thức rằng chúng ta phải làm nhiều hơn những gì chúng ta có.

Theo Nam Giao/Zing.vn