Sinh ra trong một gia đình đông con ở quận 11, TPHCM, chị Võ Thị Kim sống bình yên cùng các anh chị em trong nhà cho tới khi gặp biến cố vào năm 6 tuổi.
Trong một lần đi chơi, Kim nảy ra ý định bắt xe lam tới nhà một người chị nhưng lên xe lại ngủ quên. Khi tỉnh dậy, không biết mình đang ở đâu, chị chỉ nhớ mình đã xuống chỗ có cái chợ, rồi cứ thế đi lạc trên đường quốc lộ thẳng tắp.
Kim gặp một người phụ nữ chừng 50-60 tuổi. Bà thương tình đưa Kim về nhà, cho ăn uống suốt một tháng. Sau đó, bà bảo: “Thôi, con đi tìm ba mẹ con đi”. Cứ thế, cô bé Kim 6 tuổi đi mãi, cho tới khi gặp ông Trì ở chợ Củ Chi, cách quận 11 hơn 30 km.
"Mình nuôi nó, khi nào có người tìm, mình trả"
Ông Trần Văn Trì là người hoạt động cách mạng, từng bị bắt và bị đày ra Phú Quốc 5 năm. Năm 1975, ông là Trưởng ban Hậu cần Tiểu đoàn 75, Quân khu 7, đóng tại Củ Chi. Ông được mai mối với bà Phan Thị Hoạt khi bà đang là bí thư xã Lộc Hưng và đã có con riêng- tên là Muộn. Chồng bà Hoạt là du kích, hy sinh ngay gần nhà khi bà đang mang thai đứa con đầu lòng.
Lúc ông Trì gặp cô bé Kim đi lạc ở chợ Củ Chi, ông bà đã có 1 con trai chung 1 tuổi. Kim ở chợ chừng 1 tuần nhưng không ai cho ăn uống. Vốn thương người, ông Trì bẻ đôi ổ bánh mì cho Kim ăn bữa sáng. Đến trưa, ông lại chia suất cơm cho cô bé.
Ngày ấy, cơm gạo khó khăn. Ai cũng phải lo sinh kế, chẳng ai quan tâm đến đứa trẻ đi lạc vất vưởng ở chợ. Qua một tuần thấy Kim vẫn bơ vơ, ông Trì đưa bé về cho vợ. Ông rủ rỉ với bà: "Mình nuôi nó, khi nào có người đến tìm thì mình trả".
Ông vừa nói vừa rơi nước mắt, phần vì thương Kim, phần vì hình dung ra những ngày tháng trước mắt sẽ thêm phần khó khăn. Vậy là ông bà có tổng cộng 3 đứa con ở thời điểm đó. Sau này, ông bà sinh thêm 2 người con nữa.
Chợ Củ Chi, nơi ông Trì gặp cô bé Kim đi lạc.
Chị Phan Thị Muộn – con gái riêng của bà Hoạt – nói rằng, ba (ông Trì) tốt bụng lắm. Ông nuôi 5 người con, trong đó có chị là con riêng của vợ, Kim là con nuôi, nhưng chưa khi nào ông phân biệt. Tất cả đều như con đẻ của ông. Hàng xóm, láng giềng không ai biết đâu là con nuôi, con đẻ, con riêng.
Sau này, khi ông mất, các con trưởng thành, bà Hoạt cũng đối xử và phân chia tài sản cho 5 người con như nhau.
Chị Kim cũng thừa nhận điều đó. Hơn nửa đời người sống với ba mẹ và các anh chị em, chị chưa bao giờ cảm thấy mình bị đối xử khác biệt. Chị thấy mình thật may mắn khi được sống với ba Trì, má Hoạt và các anh chị em.
Mãi tới gần đây, các con chị mới biết ông bà ngoại không phải ba má ruột của mẹ. Các con chị cũng là người giúp chị Kim tìm đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để về lại với gia đình năm xưa.
Tìm con đỏ mắt
Trở lại với gia đình chị Kim năm đó, sau khi con gái bị thất lạc, bà Trần Thị Tư nháo nhác đi tìm. Ngày chị Kim bị lạc, ba chị là ông Võ Văn Trâu đã mất. Bà Tư một mình nuôi cả chục đứa con. Ban ngày bà đi làm công nhân vệ sinh, tan ca bà lại tìm con khắp chợ Bình Tây, có bữa 11-12h đêm mới về nhà, 3-4h sáng lại dậy đi làm ca tiếp.
Có đợt, công an đưa về 32 đứa trẻ bị thất lạc, kêu bà lên xem có con mình không. Bà lên nhưng không thấy Kim, lại thất thểu đi về.
Chị Kim mất tích được vài tháng thì em Ngân bị sốt xuất huyết, qua đời chỉ sau 1 ngày phát bệnh. Chồng vừa mất được 1 năm, lại 2 đứa con ra đi đột ngột, bà Tư tưởng chừng như không trụ nổi. Đã có lúc, gia đình tưởng bà như đã chết theo chồng con.
Bà Tư, mẹ đẻ chị Kim, chụp cùng các cháu gái.
Trong ký ức của cô bé Kim 6 tuổi, khi được mọi người hỏi, chị vẫn nhớ ba tên Trâu, mẹ tên Tư, bà ngoại bán trầu cau, vẫn nhớ chị Quỳnh, chị Mai, chị Oanh, anh Lộc, em Ngân... Nhưng chị không thể nhớ được nhà mình ở đâu.
Chị Muộn kể: “Nó nhát lắm. Hỏi thật lâu mới nói mà cũng chỉ nói vậy thôi, không nói thêm gì nữa”.
Thời gian đầu, ông Trì cũng đăng tin trên đài phát thanh huyện Củ Chi về việc “nhặt” được một đứa trẻ đi lạc. Tin đăng suốt nửa tháng nhưng không có ai tới nhận Kim. Nuôi được một thời gian, ông bà bàn nhau đưa Kim vào sổ hộ khẩu, coi như con ruột.
Một thời gian sau, ông Trì đưa cả gia đình về Trảng Bàng (Tây Ninh) khai hoang. Cứ thế, cô bé Kim lớn lên cùng gia đình, rồi đến tuổi lấy chồng.
Chị Kim lớn lên trong tình yêu thương của gia đình ông Trì, bà Hoạt.
23 tuổi, chị theo chồng lên quận Bình Tân, TPHCM làm ăn, sinh sống cho đến giờ. Ông Trì, ba nuôi chị, hiện đã mất. Chỉ còn bà Hoạt, mẹ nuôi, năm nay 85 tuổi. Chồng chị cũng mất sớm, để lại chị và 2 con gái.
Năm 2005, bà Tư, mẹ đẻ chị, qua đời trong nỗi tuyệt vọng khi chưa tìm được con gái. Đến lúc gần đất xa trời, bà vẫn còn nhắc đến Kim. Các con bà kể, cả đời bà chỉ mong được gặp lại con thì chết cũng yên lòng. Các anh chị em trong nhà cũng luôn thương nhớ đứa em gái áp út.
“Nhưng nó (chị Kim) vẫn là người đau khổ nhất, phải sống tha hương cầu thực gần 50 năm trời... Chúng tôi vẫn nói với nhau, nếu nó về mà không có nhà, anh chị em sẽ cho nó miếng đất để cất nhà” – anh Lộc, anh trai chị Kim, nghẹn ngào.
Ông Trì, bố nuôi chị, khi còn sống hay bảo các con đi tìm người thân cho Kim trên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly – chương trình mà ông theo dõi đã lâu và rất yêu mến. Nhưng lời dặn dò đó mãi đến bây giờ mới thực hiện được, khi các con chị đã trưởng thành và tìm cách giúp mẹ.
Mọi thông tin của 2 bên gia đình rất khớp nhau. Kết quả xét nghiệm ADN giữa chị Kim và chị gái tên Quỳnh một lần nữa khẳng định họ là ruột thịt.
Trên sân khấu của Như chưa hề có cuộc chia ly, cả gia đình vỡ òa, nghẹn ngào trong nước mắt. Các anh chị của chị Kim liên tục nói lời cảm ơn bà Hoạt.
Chị Kim từ nay đã biết cội nguồn, đã có thêm những người thân để yêu thương suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.
Ngày đoàn tụ, bố mẹ đã mất, chỉ còn 3 anh chị của chị Kim còn sống.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại.
Theo Nguyễn Thảo/VietNamNet