Truyền huyết thanh cứu sống người phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Ngày 13/12, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện đã truyền huyết thanh cứu sống người phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo đó, 20h trước khi vào viện, người bệnh Nguyễn Thị H. 38 tuổi (Thanh Sơn, Uông Bí), bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau 1 ngày, người bệnh thấy cẳng chân sưng đau nhiều và đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Bác sĩ đã tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục cho người bệnh.
Thời điểm tiếp nhận, người bệnh hạn chế vận động vùng cẳng bàn chân phải, quanh vết cắn vùng cổ chân phải tím, vùng từ cổ chân đến bàn chân phải sưng nề, đau nhức. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu.
|
Vùng cổ chân của người bệnh - Ảnh BVCC |
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, kết hợp với kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch,… Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định, kết quả xét nghiệm máu trở về chỉ số bình thường.
Theo người bệnh cho biết, sau khi bị rắn cắn được thầy lang gần nhà mách và làm theo cách băng chặt, sau đó nặn máu và rửa vết cắn bằng rượu trắng. Tuy nhiên, sau đó vết thương ngày càng sưng, tím, khó vận động, nên người bệnh mới đến bệnh viện.
BSCKI. Hoàng Thăng Vân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội cho biết khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.
Cần hạn chế vận động tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, đặc biệt không được chích rạch, nặn máu hay đắp các loại thuốc lá truyền miệng, chưa được khoa học kiểm chứng. Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
|
Hiện sức khỏe người bệnh ổn định - Ảnh BVCC |
Nhiều sai lầm trong sơ cứu khiến nọc độc di chuyển nhanh
TS.BS.Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này chứa hơn 20 thành phần khác nhau, có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch…
Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim và nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần hạn chế tối đa vận động để không làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.
Sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
BS Khổng Thị Bích Phương, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, chỉ vài phút sau người bệnh sẽ biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn. Sau khoảng 6 giờ phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ…
Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn có thể khiến độc tố di chuyển vào máu nhanh hơn gây ra các rối loạn nguy hiểm như liệt thần kinh, liệt cơ hô hấp, rối loạn đông máu nặng, sốc tim…Vì vậy, khi bị rắn cắn cần lưu ý khi sơ cứu:
• Với vết cắn do rắn lục gây nên không được chích, rạch vết cắn để ép nọc độc ra ngoài vì sẽ làm người bệnh chảy máu không cầm, dẫn đến mất máu cấp tính, đe dọa đến tính mạng.
• Không đắp lá lên vết cắn để tránh nhiễm khuẩn.
• Khi bị rắn lục cắn, không được băng ép vết thương vì sẽ làm nặng thêm vết thương và có thể gia tăng nguy cơ xâm nhập nọc độc vào trong máu của người bệnh.
• Không nên garo chi bị cắn bằng dây cao su vì đây là phương pháp gây tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của dòng máu, nếu garo quá lâu có thể gây ra thiếu máu có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.
• Không cho bệnh nhân uống rượu hoặc các chất kích thích để giảm đau.
• Hạn chế can thiệp vào vết cắn như rạch, trích hoặc hút lấy nọc độc.
• Cố gắng ghi nhớ hình dạng của nó để mô tả cho bác sĩ.
• Nếu con rắn đã chết, cần mang đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục của từng loài.
|
Cách băng cho bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh BSCC |
Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn
BS Khổng Thị Bích Phương cho biết, việc sơ cứu rắn lục cắn nhằm mục tiêu tránh sự xâm nhập của nọc độc và hệ thống tuần hoàn từ đó giúp hạn chế các triệu chứng nguy hiểm, bảo vệ tính mạng và vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, vì vậy các bước sơ cứu cần được tiến hành nhanh chóng.
Bước 1: Ổn định tình hình sau khi phát hiện người bị rắn lục cắn
• Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực có rắn.
• Giữ bình tĩnh, trấn an người bị cắn.
• Nhanh chóng cắt bỏ ống tay áo, ống quần bó sát vào vùng bị cắn, tháo bỏ hết các loại trang sức trên người để khi có tình trạng sưng nề sẽ không gây chèn ép.
• Gọi điện cho cơ sở y tế gần nhất để nhận sự hướng dẫn và hỗ trợ.
Bước 2: Hạn chế di chuyển người bị rắn lục cắn
• Tuyệt đối không để người bệnh đi lại, cử động quá nhiều.
• Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn hiệu quả là để bệnh nhân nằm yên ở tư thế nằm để vết cắn thấp hơn tim và bất động chi bị cắn. Điều này giúp hạn chế việc nọc độc của rắn đi vào hệ tuần hoàn gây nguy hiểm đến các đa cơ quan như tim, phổi, thận, não… từ đó đe dọa tính mạng của người bệnh.
Bước 3: Băng vùng trên vết rắn lục cắn
• Có thể sử dụng băng chun, vải hoặc quần áo băng cuốn tương đối chặt từ các đầu ngón tay, ngón chân bị cắn cho đến tận gốc chi để băng bó vết thương rắn cắn.
• Cần lưu ý khi băng không được quá chặt, cần phải sờ thấy mạch đập bên dưới để tránh thiếu máu đầu chi.
Bước 4: Vận chuyển người bị rắn lục cắn đến cơ sở y tế gần nhất
• Nếu nhân viên y tế đến kịp thời có thể hỗ trợ chuyển người bệnh trên phương tiện vận chuyển người bệnh chuyên dụng.
• Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở y tế chưa đến kịp sau khi thực hiện xong các bước sơ cứu, có thể tự vận chuyển bệnh nhân với điều kiện bất động toàn thân, để vết cắn dưới tim hoặc để thõng chân, tay trong trường hợp vết cắn ở phần đầu chi.
Cách để tránh bị rắn cắn:
- Cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch sẽ: Dọn sạch các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.
- Không nên ngủ dưới nền đất.
- Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay.
- Mang ủng cao khi đi vào rừng, khua gậy trước khi đi qua bụi rậm, khu vực nhiều cỏ.
- Dùng đèn nếu di chuyển vào ban đêm.
- Có thể trồng sả hoặc nuôi chó, mèo để hạn chế rắn xuất hiện.
Thúy Nga