Stacey Raymond, 32 tuổi, sống ở London đã được bác sĩ cho uống thuốc kháng sinh 5 ngày khi cô phàn nàn về chứng đau và sưng họng, nghi ngờ viêm amidan.
Tuy nhiên sau 3 ngày uống thuốc, tình trạng không đỡ mà ngày càng nặng lên, khiến cô rất đau đớn khi ăn. Một bác sĩ khác khuyên cô nên đến A&E (Accident and Emergency) khám lại vì nghi ngờ cô bị áp xe.
|
Raymond vào viện khi trên cổ xuất hiện các vết đỏ. |
Tại đây, bác sĩ kết luận cô bị áp xe peritonsillar, chỉ định nhập viện điều trị gấp để hút dịch mủ và cắt bỏ mô chết do vi khuẩn gây ổ áp xe bắt đầu ăn mòn da và cơ bắp vùng cổ. Nếu chậm trễ, vùng áp xe có thể lan tới tim, nguy cơ tử vong rất lớn.
Sau cuộc phẫu thuật khẩn cấp, bác sĩ đã cắt lọc hết vùng hoại tử, tạo thành 1 lỗ thủng ở cổ và vùng xương đòn. Raymond cũng phải ở lại BV hơn 1 tháng để theo dõi.
Sau phẫu thuật, cô được truyền dịch IV, kháng sinh và thuốc giảm đau nhưng tình trạng không cải thiện. Thậm chí cô phát hiện vết đỏ từ cổ đã lan xuống cánh tay trái. Khi chụp CT, bác sĩ phát hiện có một khối chất lỏng trong phổi gây áp xe phế quản.
Do bệnh tình phức tạp, Raymond được chuyển đến một bệnh viện chuyên ngành tim mạch để điều trị tiếp.
“Lúc này cơn đau đã giảm nhưng vết đỏ trên cánh tay lớn dần. Bác sĩ lại tiếp tục hút mủ, sáng hôm sau ngủ dậy tôi thấy đỡ hơn và nghĩ bệnh đã lui nhưng thực sự không phải. Ngày kế tiếp, bệnh tôi lại nặng trở lại”, Raymond nhớ lại.
Các bác sĩ nhận định, tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, có nhiều mủ rò rỉ từ vết mổ ở cổ họng sau ca phẫu thuật lần trước.
Raymond tiếp tục trải qua cuộc phẫu thuật lần 2 kéo dài 4 giờ, lần này bác sĩ phải cắt lọc vùng hoại tử lan xuống dưới ngực.
Dù vậy, bác sĩ nhận định, vùng hoại tử vẫn có nguy cơ lan sang tim, khi đó, nguy cơ tử vong 100%, trong khi hiện tại, tỉ lệ này chỉ ở mức 20%.
Rất may, vùng hoại tử đã không lan tới tim, nhưng chuỗi ngày sau đó, Raymond liên tục phải vào phòng phẫu thuật để điều trị nhiễm trùng.
Hơn 1 tháng sau, vào đầu tháng 5 vừa qua, Raymond bước vào ca phẫu thuật thứ 10 để ghép da, bác sĩ lấy da từ đùi ghép lên cổ. Một thời gian dài, cô phải nằm ngửa và không thể tự ngóc đầu dậy. Sau đó cô được bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng để cổ bớt cứng.
Áp xe peritonsillar hình thành trong mô của cổ họng bên cạnh amidan, hầu hết các trường hợp bị áp xe đều do viêm amidan không được điều trị.
Các vi khuẩn tương tự như những vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn khiến các mô, cơ bị hoại tử.
Các triệu chứng điển hình là sưng, đau cổ họng, nghiêm trọng hơn có thể gây tắc nghẽn cổ họng gây đau khi ăn uống, khó nói.
Theo Lê Lam/Vietnamnet