Thông tin từ ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân ăn tiết canh lợn nhập viện.
Nam bệnh nhân là ông T.Q.N 57 tuổi ở Thái Bình. Sau ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông N xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Ông N. được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh nhưng đã xuất hiện sốc, ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW vào ngày 1/10.
|
Ảnh minh họa. |
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, các bác sĩ đã xác định, ông N. bị nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn. Hiện tại ông N. bị suy đa tạng, đang phải hồi sức tích cực.
Ngoài ra, Khoa Cấp cứu cũng đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân khác là ông V.V.D 52 tuổi ở Ninh Bình. Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho hay, ông N. ăn tiết canh sau 3 ngày xuất hiện sốt, hôn mê, gia đình vội đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị, tuy nhiên ngay sau đó, ông D đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW ngày 2/10 với nhiều biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn. Hiện, bệnh viện đang chờ kết quả vi sinh để khẳng định, bệnh nhân có nhiễm liên cầu lợn hay không.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, dù các bác sĩ cũng như tên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về những nguy hại của món tiết canh đối với sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan ăn tiết canh chỉ vì… sở thích. Một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn phải nó trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu nhưng không phải trường hợp nào cũng qua khỏi bởi người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể.
Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.
Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.
BS Cấp cảnh báo, Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người.
Hơn nữa, ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở thì người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh.
Theo Thái Bình/Sức khỏe & Đời sống