Vu Quyên là một người mẹ trẻ, một giảng viên đại học đã có bằng tiến sĩ, một người phụ nữ bắt đầu chạm tay đến thành công và viên mãn. Bất ngờ ở tuổi 31, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn vào xương và các bộ phận khác trong cơ thể. Nằm trên giường, chịu đựng những cơn đau đớn vì bệnh tật, phản ứng thuốc khi tiến hành hóa trị nhưng cô luôn sống lạc quan và thấy được niềm vui trong những ngày tháng đối mặt với bệnh tật.
Vu Quyên bắt đầu hướng tới việc dành trọn thời gian còn lại bên cạnh những người thân yêu. Thay vì khóc than cho số phận, cô đã dồn toàn bộ tâm sức viết ra những câu chữ sống động giúp mọi người sống tích cực, lạc quan, yêu đời và trân trọng những điều may mắn mình đang có.
Những câu chuyện về các bệnh nhân ung thư vú, câu chuyện về người thân, gia đình, những mảng ký ức về ông bà, cha mẹ, về những năm tháng tuổi thơ bần hàn nhưng vui vẻ được cô kể trong những trang nhật ký với nỗi nhớ khôn nguôi, lòng tiếc thương vô tận, có chút giận mình chưa làm được gì cho những người mà cô hết mực yêu thương.
Đọc cuốn nhật ký của Vu Quyên, độc giả không chỉ chứng kiến một cô gái kiên cường chiến đấu với bệnh tật mà còn trân trọng những người đi cùng cô trong những ngày tháng ấy. Câu chuyện không chỉ là khúc ca về sự lạc quan của Vu Quyên trước bệnh tật mà còn là tình nghĩa giữa cha - mẹ, vợ - chồng, người thân, bạn bè…
Đó là một người mẹ trẻ, khi đang mang thai 5 tháng thì biết mình bị ung thư vú ác tính, mặc cho các bác sĩ đề nghị, người mẹ ấy vẫn kiên định "Có thể chờ tôi sinh xong mới xử lý bệnh của tôi không?".
Một ông già chăm người vợ liệt ròng rã suốt 15 năm mà không hề oán than nửa lời. Tình yêu khiến con người ta trở nên mạnh mẽ, trở nên dũng cảm, và trở nên tham lam, tham lam vì sự sống, tham lam vì những người mình yêu.
Một người em họ xa quen biết 15 năm, vì khoảng cách địa lý 13 năm không gặp nhau nhưng khi nghe Vu Quyên mắc trọng bệnh vẫn tình nguyện nếu chị cần hiến tủy, gan, thận thì cũng sẵn sàng. Hay người dì ruột góa bụa thương cháu gái hơn cả bản thân mình... Và cả người mẹ, người đã sẵn sàng bán căn nhà ở quê để cứu đứa con gái duy nhất.
Hay người chồng vì chăm sóc cô mà kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn nói như đinh đóng cột: "Nếu em có thể sống, anh lau mông cho em cả đời cũng được". Và cậu con trai 19 tháng tuổi mà cô lúc nào cũng đau đáu: "Tôi không rõ mình còn cơ hội để nuôi dạy con cái nên người hay không, nhưng bằng hành động hôm nay, tôi muốn nhắn nhủ với con rằng: mẹ của con không phải kẻ yếu hèn, nên con hãy biết trân trọng những người và những điều quý giá, quan trọng mà con gặp trong đời. Con có thể thất bại, nhưng không được từ bỏ".
Và tất nhiên trong hành trình ấy, Vu Quyên cũng không ít lần gặp những người không tốt, ví dụ như vị thầy thuốc chữa bệnh bằng khoai môn và nho hay những kẻ tán tận lương tâm, kiếm tiền trên nỗi lo lắng của những bệnh nhân bị ung thư...
Hãy sống từng ngày trọn vẹn của Vu Quyên không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú mà cô còn kiểm điểm những thói quen không tốt của bản thân. Từ đó, gửi tới độc giả lời cảnh tỉnh rằng: Chúng ta rằng không nên tùy ý phung phí sức khỏe, phung phí hạnh phúc, cần phải biết ơn cuộc sống, đối xử tốt với sinh mệnh, sống trọn vẹn từng ngày, đừng để cuộc đời của mình còn chút nuối tiếc nào.
Vu Quyên đã ra đi ở tuổi 32, với nhiều việc chưa hoàn thành, những ước mơ còn dang dở... Nhưng cô đã kịp gửi đến mọi người một thông điệp: Phải sống được từng ngày trọn vẹn mới có được từng năm trọn vẹn, và mới là cuộc đời trọn vẹn. Và hãy quý trọng từng giây từng phút của cuộc sống, đừng vì những vụn vặt đời thường mà để vụt mất thời gian quý báu.
Theo Phunuvietnam