Nhiều vụ tử vong thương tâm do nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Google News

Những năm qua, nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã được ghi nhận tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội chiều 15/5, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận hai ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 ca tử vong.
Bệnh nhân nam 48 tuổi, địa chỉ ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Bệnh nhân này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn rồi tiếp tục xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Trước đó, năm 2019, một người đàn ông ở Quảng Bình tử vong vì nhiễm trùng do liên cầu lợn từ tiết canh.
Nhieu vu tu vong thuong tam do nhiem lien cau khuan lon
Ảnh minh họa.  
Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, vào ngày 31/5/2019, người đàn ông 62 tuổi ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, được người nhà đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới Quảng Bình trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, huyết áp không đo được, xuất hiện nhiều ban tím toàn thân, nhất là vùng 2 cẳng tay và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn.
Theo lời kể của người nhà nạn nhân, trước đó bệnh nhân có ăn tiết canh, lòng lợn. Một ngày sau, bệnh nhân thấy mệt mỏi chán ăn, đau bụng, buồn nôn và nổi ban tím nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ đã dùng kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện mà có chiều hướng xấu đi, các ban hoại tử tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu nên gia đình đã xin đưa về quê và tử vong sau đó.
Vào tháng 6/2018, thông tin trên báo Thái Nguyên cho biết, bệnh nhân La Văn H. trú tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ, Thái nguyên) đã tử vong sau khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Được biết, bệnh nhân La Văn H. nhập viện khoảng 22 giờ ngày 30/5/2018 trong tình trạng đau bụng cấp, buồn nôn. Trước khi chuyển tiếp điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân đã được điều trị tại Bệnh viện huyện Đồng Hỷ.
Các bác sĩ xác nhận bệnh nhân dương tính với khuẩn liên cầu lợn và tiến hành lọc máu. Tuy nhiên, đến 6h sáng 1/6/2018, bệnh nhân tử vong.
Tháng 6/2014, bệnh nhân Trần Văn A. (ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh và đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị.
Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân A. nhập viện trong tình trạng toàn thân sốt cao, rét run, co giật, mê sảng, mất ý thức. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở… nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)