Theo thông tin báo chí, sáng 26/7, một chuyến bay từ TP.HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để giải cứu cho một nữ hành khách tên là N.T.H. bị chảy máu ngực trái. Máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho nữ hành khách này. Tại Đà Nẵng, hành khách N.T.H. đã được đưa đến bệnh viện dưới sự hỗ trợ của nhân viên hàng không.
Sự cố túi ngực silicone “phủ sóng” ngày càng rộng
Liên quan đến sự cố nói trên, các chuyên gia y tế cho rằng trong nhiều năm trở lại đây, sự cố nổ túi ngực trên máy bay đã được mổ xẻ, song đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào kết luận cụ thể. Theo tranh luận trong ngành y, không phải túi ngực nổ mà là rò dịch silicone. Trường hợp nữ hành khách nói trên bị chảy máu vùng ngực được nâng có thể do size túi ngực (kích thước) quá lớn, khiến ngực tự nhiên không thể chống đỡ nổi hoặc mới vừa phẫu thuật.
Theo trang tin Worldofbuzz.com của Malaysia, số ra cuối tháng 10/2018, một ca sĩ dòng nhạc bolero đã bị vỡ túi nâng ngực silicone sau 7 năm phẫu thuật trên chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam sau khi cảm thấy đau nhói và tiếng ồn xuất hiện trên ngực trái. Tình trạng của bệnh nhân không cải thiện sau khi uống thuốc giảm đau và tiếp tục bị sưng nên phải nhập viện. Các bác sĩ cho hay cơn đau thực sự của cô là do silicone trong ngực bị vỡ. May mắn thay, ca phẫu thuật đã thành công, ngực trái của bệnh nhân đã được tái tạo và được xuất viện sau 3 ngày điều trị.
|
Ca sĩ bolero và túi nâng ngực bị vỡ. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Theo trang tin Life.ru (Nga), cũng vào đầu tháng 10/2018, một nữ hành khách người Nga, 45 tuổi, tên là Irena D., cũng bị vỡ ngực silicone khi đang đi trên chuyến bay từ Moscow sang Califfornia, buộc Irena D. phải nhập viện cấp cứu và phải hủy bỏ kỳ nghỉ mát như đã dự định. Ban đầu, người phụ nữ này cảm thấy mệt mỏi, cứ nghĩ rằng là áp lực do máy bay. Khi máy bay hạ cánh, Irena D. đã ngã gục ngay tại sân bay. Phải mất một thời gian, các bác sĩ Mỹ mới tìm ra lý do, hóa ra cấy ghép silicone của Irena D. bị vỡ, rò rỉ dịch.
Các sự cố thường xảy ra khi đi máy bay nên dễ lầm là bị nổ túi ngực do áp lực máy bay, thực tế khi vỏ túi rách, thủng, dịch gel silicone sẽ rò rỉ nằm lại trong khoang, gây kích ứng, viêm nhưng không nhiễm và sau đó ngấm vào cơ thể. Điều này khác hoàn toàn với phương pháp nâng ngực bằng gel silicone bơm trực tiếp vào cơ thể trước đây vốn nguy hiểm hơn nhiều.
Theo giới chuyên gia, áp lực trong khoang máy bay với áp suất ở mặt đất tương đương nhau, khoảng 760 mmHg. Dù thay đổi độ cao đột ngột, áp suất trong máy bay cũng không thay đổi. Ngoài ra, có rất nhiều người đặt túi ngực, thường xuyên di chuyển bằng máy bay, nên không thể có chuyện vỡ túi ngực do áp suất máy bay gây ra được.
Phẫu thuật silicone có từ bao giờ ?
Theo thống kê năm 2010 tại Mỹ, có 296.203 phụ nữ nâng ngực, còn trên thế giới có khoảng 5-10 triệu phụ nữ sử dụng dịch vụ nói trên.
Đến nay, phẫu thuật nâng ngực đã có bề dày trên nửa thế kỷ. Người tiên phong trong lĩnh vực này là một phụ nữ người Mỹ, bà Timmie Jean Lindsey, nâng ngực bằng silicone.
Trong Thế chiến II, tập đoàn Dow Corning và Corning Glass đã phát triển thành công silicone dùng cho mục đích quân sự. Đến năm 1943, silicone được dùng làm phụ gia để sản xuất dầu mỡ và dầu cho máy bay, cao su chịu nhiệt, vật liệu cách điện cho máy biến thế. Nhưng sau khi Nhật Bản đầu hàng, các thùng silicone công nghiệp bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn khỏi quân cảng của Nhật. Lúc đầu, người ta không rõ lý do nhưng qua điều tra, phát hiện thấy nó được dùng cho phẫu thuật nâng ngực ở phụ nữ, đặc biệt là cho gái mại dâm.
|
Trước khi phẫu thuật nâng ngực, phụ nữ cần cân nhắc, tư vấn kỹ càng để hạn chế rủi ro không mong muốn. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Có nhiều trường hợp biến dạng, nhiễm trùng, silicone “di căn” và để lại sẹo. Đây là silicone công nghiệp, chứa muối hữu cơ thiếc, chứ không phải silicone y tế, vô trùng. Việc áp dụng silicone cấp độ công nghiệp đã được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản và một số nước châu Á sau khi Thế chiến 2 kết thúc.
Đến nay, đã có hàng triệu phụ nữ trải qua phẫu thuật nâng ngực, kết quả rất đa dạng. Mặc dù giới phẫu thuật thẩm mỹ bác bỏ chuyện cấy ghép sinh bệnh, thực tế đã có trên 15.000 phụ nữ thừa nhận phẫu thuật thẩm mỹ không mang lại kết quả như họ mong muốn. Đặc biệt là triệu chứng bất an do vỡ vật liệu cấy ghép. Sự cố thường gặp như phát sinh động kinh, đau nửa đầu, mất ngủ, và phát triển bệnh tự miễn.
Ví dụ , người mẫu Katelyn Svancara ở tạp chí Phoenix Playboy (Mỹ) cho hay bản thân bị bệnh trong bốn năm sau khi cấy ghép nhưng sau khi bỏ vật liệu độn ra, các triệu chứng trên dần dần biến mất. Ngoài ra, còn có rất nhiều vụ kiện liên quan đến cấy ghép nâng ngực. Ví dụ, năm 1998, tập đoàn Dow Corning đã chi tới 3,2 tỷ USD để giải quyết khiếu nại của hơn 170.000 phụ nữ sau phẫu thuật nâng ngực. Trên thực tế, nhiều nguyên đơn đã chết trước khi được giải quyết, nhưng Dow Corning lại luôn phủ nhận các cáo buộc cho là sai trái. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa tìm ra bằng chứng cụ thể liên quan giữa cấy ghép silicone với phát sinh bệnh tật.
Để khắc phục nhược điểm của silicone, năm 2002, Dr. Robert Allen Smith, người Mỹ, đã được cấp bằng sáng chế cho phát minh mới về kỹ thuật nâng ngực cho phụ nữ bằng cách sử dụng tóc làm chất độn thay cho silicone và gel. Ý tưởng này xuất hiện khi Smith phát hiện thấy một lọn tóc đã được khâu vào da đầu của một bệnh nhân mà không có bất kỳ phản ứng nào của cơ thể. Từ phát hiện này, Smith đã đề xuất sử dụng tóc, lông thú (hay keratin, chất đạm từ có nguồn gốc từ tóc), từ động vật có vú, vật liệu lông vũ hoặc từ móng guốc, hoặc từ mỏ, móng chân hoặc lông chim để làm vật liệu độn.
Từ đó, những thủ thuật từng được sử dụng nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, khi nâng ngực, bác sĩ thường tiêm vào vú mọi thứ từ sụn bò cho đến ngà voi hay cao su nguyên chất... Tất cả vật liệu này đều phi khoa học và thất bại hoàn toàn, chỉ dừng lại vào những năm 30 ở thế kỷ trước sau khi silicone y tế được sử dụng và chứng minh là có khả năng hạn chế nhiễm trùng cho con người.
Cập nhật những khuyến cáo phẫu thuật nâng ngực
Phẫu thuật thẩm mỹ lợi hại song hành. Cái được nhiều người quan tâm còn mặt trái lại dễ bị bỏ qua. Nó không làm cho người trong cuộc thấy thỏa mãn mà còn tăng phiền hà, thậm chí còn gia tăng stress, tăng tỷ lệ quyên sinh.
Một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Thụy Điển thực hiện ở 3.527 phụ nữ tình nguyện cho thấy nguy cơ tự tử tổng thể cao gấp 3 lần so với nhóm không qua phẫu thuật thẩm mỹ. Chưa hết, tỷ lệ này tăng 4,5 lần trong 10 năm hậu phẫu, 6 lần sau hơn 20 năm. Theo giáo sư, tiến sĩ Louise A. Brinton, ở Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ quyên sinh tăng không chỉ đơn thuần liên kết giữa các mô cấy ngực và độc tính silicone, mà nó còn có liên quan đến yếu tố tâm lý, gia tăng áp lực và nhiều điều vô hình khác khoa học chưa “nhận mặt chỉ tên” hết.
Theo quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), phụ nữ tuổi từ 18 trở lên nên dùng chất độn là túi nước, còn túi silicone dùng cho nhóm từ 22 tuổi trở lên, riêng tạo hình tuyến vú có thể áp dụng cho nhóm phụ nữ trẻ hơn.
Phẫu thuật nâng ngực thực chất là làm tăng kích thước tuyến vú. Nói cách khác là để thay đổi hình dáng và kích thước bộ ngực vốn có của phái đẹp bằng cách sử dụng vật liệu độn nhân tạo hoặc mỡ tự thân, làm cho vòng một đầy đặn, gợi cảm hơn.
Hiện tại, có nhiều phương pháp phẫu thuật nâng ngực nhưng hai phương pháp được ưa chuộng nhất là khi nâng ngực nội soi và nâng ngực bằng mỡ tự thân. Riêng nâng ngực bằng silicone có thể vỡ bất cứ lúc nào, nhất là tuổi thọ càng cao. Hầu hết trường hợp vỡ silicone là không có triệu chứng và thầm lặng nên rất khó phát hiện nếu chỉ bằng một cuộc kiểm tra thể chất.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sự vỡ âm thầm của cấy ghép vú bằng gel silicone. Tuy nhiên, đôi khi, khi cấy ghép bằng gel silicone bị vỡ, người phụ nữ có thể thấy kích thước vú giảm, thay đổi hình dạng vú, vón cục cứng trên vùng cấy ghép hoặc vùng ngực, xuất hiện sự không đều của ngực, đau, ngứa ran, sưng, tê, nóng rát hoặc thay đổi cảm giác.
Nói chung, khi vỡ, rò rỉ silicone, gel silicone thoát ra qua vết rách hoặc lỗ trên túi chứa nhưng vẫn còn trong giới hạn, chuyên môn gọi là vỡ trong nang. Nếu gel di chuyển vượt ra ngoài mô sẹo xung quanh mô cấy, nó được gọi là vỡ ngoại bào. Đôi khi, sau khi vỡ, gel di chuyển đến các khu vực xa khác trên cơ thể, được gọi là vỡ ngoại bào do gel di chuyển, trường hợp này rất khó hoặc không thể loại bỏ hết gel silicone sau khi vỡ.
FDA còn yêu cầu mỗi nhà sản xuất tiến hành các nghiên cứu sau phê duyệt để kiểm chứng độ an toàn dài hạn cho con người. Tháng 6/2011, FDA đã ban hành một Bản cập nhật về sự an toàn của cấy ghép vú bằng gel silicone. Nhấn mạnh đến các biến chứng cục bộ quan trọng và khi vật liệu được cấy ghép nằm lâu trong cơ thể. Các biến chứng cục bộ và kết quả bất lợi bao gồm co thắt nang, vỡ, đau vú, tạo nếp nhăn, mất đối xứng, sẹo và nhiễm trùng.
Người cấy ghép cần thường xuyên liên hệ với bác sĩ, kiểm tra MRI để phát hiện ra sự cố vỡ im lặng của bộ phận cấy ghép. Nếu có sự cố, cần thông báo cho bác sĩ biết như đau, không đối xứng, cứng hoặc sưng.
Ngoài ra, phụ nữ nếu có ý định phẫu thuật nâng ngực cần phải tìm hiểu kỹ càng, từ tất cả các khâu, như nơi mổ, phẫu thuật viên... cho đến kỹ thuật mổ, và đường mổ. Khi có các biểu hiện bất thường, phải làm gì, hoặc để tránh sự cố nên có các biện pháp dự phòng, như khi đi máy bay chẳng hạn...
Đối với các cơ sở thẩm mỹ, nơi cung ứng dịch vụ, cần tư vấn khách hàng cách phòng tránh, rủi ro, cũng như những điều cần làm để chăm sóc cấy ghép. Nên theo dõi sát sau toàn trạng ngay sau khi phẫu thuật và các phương án phối hợp điều trị trực tiếp nếu có sự cố xảy ra. Nên chụp MRI để phát hiện sự cố thầm lặng với silicone trong 3 năm sau khi cấy ghép, sau đó cứ 2 năm chụp MRI một lần.
Theo BS. Bích Kim / Sức Khỏe Đời Sống