So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu ở phía Nam. Riêng tại miền Bắc, một số tỉnh tăng là Hà Nội, Nam Định... Trước tình hình dịch tăng theo từng tuần, việc triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch là hết sức cần thiết.
Phòng chống trung gian truyền bệnh
Diệt bọ gậy và lăng quăng, muỗi: Tiến hành thành chiến dịch, bằng cách tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, và huy động sự tham gia của cộng đồng phát hiện để loại bỏ ổ bọ gậy và lăng quăng muỗi. Lãnh đạo chính quyền, các ban ngành đoàn thể, mạng lưới y tế, cộng tác viên, giáo viên, học sinh đều phải tham gia hoạt động diệt bọ gậy và lăng quăng ở các hộ gia đình.
Trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, việc giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh rất quan trọng, vì bọ gậy và lăng quăng, muỗi có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà, quanh nhà, nên việc xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi là biện pháp đơn giản và hiệu quả
Phải loại trừ ổ bọ gậy và lăng quăng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà và chung quanh nhà như bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ, chai lọ chum vại vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa, các nơi chứa nước tự nhiên ở hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa, các hố ga ngăn mùi, bể cây cảnh...
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bằng các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn cho cộng đồng người dân ở cơ sở xảy ra dịch bệnh biết rõ tình hình nhằm tham gia, hưởng ứng tích cực những biện pháp can thiệp đối phó với dịch sốt xuất huyết.
Việc huy động cộng đồng cùng tham gia trong đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng. Đối với cá nhân: vận động thực hiện loại bỏ ổ bọ gậy và lăng quăng, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt, phòng chống muỗi và xua diệt muỗi bằng nhiều biện pháp thông thường như dùng lưới chắn muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày; dùng hương xua muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện...
Đối với cộng đồng: mỗi hộ gia đình phải tự giác tham gia tích cực hoạt động diệt bọ gậy và lăng quăng với sự nhắc nhở của chính quyền địa phương và sự tham gia hướng dẫn của y tế cùng các ban ngành đoàn thể, tổ chức truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh, để nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
|
Phải xử lý ổ dịch sốt xuất huyết Dengue nhanh trong vòng 48 giờ sau khi xác định ổ dịch. Ảnh: TM. |
Phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng: Được kết hợp với chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi để chặn đứng dịch phát tán lan rộng thêm, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng có thể chủ động thực hiện khi cơ sở có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch xảy ra.
Phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng được tiến hành khi tại cơ sở có trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và chỉ số mật độ muỗi Aedes truyền bệnh cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số bọ gậy hay lăng quăng còn được gọi là chỉ số BI (Breteau index) cao từ 30 trở lên; riêng miền Bắc thì chỉ số mật độ muỗi Aedes cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số bọ gậy hay lăng quăng (BI) từ 20 trở lên.
Các viện khu vực như Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng phải hướng dẫn chuyên môn cho các tỉnh, thành phố trong việc chỉ định phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng được thực hiện từ 2 - 3 lần tùy thuộc vào hiệu quả diệt muỗi, chỉ số mật độ muỗi, tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue...
Thời gian phun hóa chất lần thứ nhất tại khu vực địa lý nhất định được chỉ định không được quá 10 ngày, phun lần thứ hai cách lần thứ nhất từ 7-10 ngày, việc phun lần thứ ba cần căn cứ vào các chỉ số điều tra trung gian truyền bệnh sau phun lần thứ hai từ 1-2 ngày với chỉ số mật độ muỗi Aedes còn trên 0,2 con/nhà hoặc chỉ số bọ gậy hay lăng quăng muỗi (BI) còn từ 20 trở lên và thời gian phun lần thứ ba sau phun lần thứ hai cũng từ 7-10 ngày.
Xử lý ổ dịch bệnh
Việc xử lý ổ dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue phải tiến hành đồng thời cùng một lúc biện pháp tổ chức điều trị bệnh nhân và xử lý thực trạng quy mô ổ dịch. Tổ chức điều trị bệnh nhân được thực hiện theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue đã được Bộ Y tế chỉ đạo.
Xử lý thực trạng quy mô ổ dịch với quy định khi có một ổ dịch sốt xuất huyết Dengue thì xử lý khu vực phạm vi bán kính 200 m kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch sốt xuất huyết trở lên tại một thôn, ấp, tổ hoặc tương đương trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô thôn, ấp, tổ hoặc tương đương và có thể mở rộng khi dịch lan rộng. Lưu ý các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định.
Các biện pháp xử lý ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cũng được thực hiện bằng phun hóa chất diệt muỗi, giám sát bệnh nhân; giám sát muỗi và bọ gậy, lăng quăng trước và sau khi phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền và huy động cộng đồng, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng đến từng hộ gia đình trước khi phun hóa chất diệt muỗi...
Việc cần làm ngay
Trước tình hình sốt xuất huyết Dengue đang bùng phát mạnh hiện nay với các yếu tố có thể xác định được dịch đã xảy ra, nên công bố và thông báo cụ thể dịch bệnh để huy động các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng người dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp đối phó, phòng chống, dập dịch một cách tích cực, kịp thời, hiệu quả nhằm khống chế bệnh phát tán, lan rộng làm cho nhiều người bị mắc bệnh gây nguy cơ tử vong thêm.
Đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết gây nhiều thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cũng là một dịp để cộng đồng người dân tự nâng cao kiến thức, thái độ và hành vi trong việc phòng bệnh; đồng thời giúp hệ thống chính quyền, các ban ngành đoàn thể kể cả ngành y tế dự phòng có được bài học kinh nghiệm để chủ động phòng ngừa.
Khẩu hiệu hành động “Không có bọ gậy, không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” đã có, nhưng phải làm cho nó thật sự đi vào cuộc sống của cộng đồng người dân thì mới có ý nghĩa trong chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết.
Theo BS.Nguyễn Võ Hinh / Sức Khỏe Đời Sống