Những yếu tố cân nhắc khi chọn vaccine COVID-19 cho trẻ em

Google News

Được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm, việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ngay hay không và lựa chọn loại nào vẫn là vấn đề gây ra nhiều tranh luận.

Ngày 14/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Việc tiêm chủng được thực hiện dựa trên lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp và theo tiến độ cung ứng vaccine cũng như tình hình dịch tại địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các thông tin như loại vaccine sẽ tiêm, thời điểm tiêm hay tiêm như thế nào.

Tiêm vaccine cho trẻ em là cần thiết

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định lại việc tiêm vaccine cho trẻ em là điều cần làm. Ông cho rằng đây là quyền lợi và mọi người đều bình đẳng.

“Trẻ em cũng cần được bảo vệ sau khi vaccine COVID-19 đã được bao phủ hết cho nhóm có nguy cơ cao”, vị chuyên gia này nói thêm.

Nhung yeu to can nhac khi chon vaccine COVID-19 cho tre em

Một gia đình có 2 con nhỏ trên đường hồi hương từ vùng có dịch COVID-19. Ảnh: Đức Anh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Điền nhận định dịch COVID-19 mới xuất hiện trên thế giới được gần 2 năm. Vaccine phòng bệnh COVID-19 cũng chỉ được đưa vào sử dụng trong khoảng 10 tháng qua (tháng 12/2020 đến nay). Do đó, những bằng chứng khoa học về hiệu quả cũng như phản ứng của vaccine với trẻ em chưa có nhiều và đang tiếp tục được tích lũy.

Trong bối cảnh đó, ông cho rằng thời gian tới, khi triển khai tiêm chủng cho trẻ, Việt Nam nên lựa chọn vaccine được nhà sản xuất, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dùng cho lứa tuổi này.

“Cụ thể, trên thị trường hiện có 2 loại vaccine là Pfizer (Mỹ) và Abdala (Cuba) phù hợp với những yếu tố này”, tiến sĩ Điền cho hay.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng trẻ em nên được tiêm vaccine COVID-19 khi toàn bộ người cao tuổi, mắc bệnh nền, nguy cơ cao..., đã hoàn thành 2 mũi.

Ông cũng nhận định Việt Nam nên chọn vaccine được sản xuất theo công nghệ kinh điển đã dùng nhiều cho trẻ em để ứng dụng trong thời gian tới là vaccine liên hợp và vaccine tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị. Theo bác sĩ Khanh, 2 công nghệ vectors virus và mRNA còn quá mới.

Nhung yeu to can nhac khi chon vaccine COVID-19 cho tre em-Hinh-2
 
Mặt khác, trong trường hợp trẻ không được tiêm vaccine, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho biết: “Khi nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết trẻ không có triệu chứng hoặc mắc bệnh ở mức độ nhẹ. Chỉ một số trường hợp diễn biến nặng”.

Cụ thể, một số trường hợp có thể mắc hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em do nhiễm SARS-CoV-2 (MIS-C). Phần lớn nhóm này vẫn có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, 1,7% trẻ mắc MIS-C đã tử vong.

Ngoài ra, trẻ mắc bệnh nền như béo phì, tim mạch, khuyết tật phức tạp..., cũng có xu hướng dễ diễn biến nặng khi mắc COVID-19.

Cân nhắc giữa các loại vaccine khi sử dụng cho trẻ

Về hiệu quả, tiến sĩ Thu Anh đã nghiên cứu và tổng hợp lại thông tin về các loại vaccine được khuyến cáo dùng cho trẻ em thời gian qua. Cụ thể như sau:

Với Pfizer, FDA và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine này cho trẻ em 12-15 tuổi với cùng liều như người lớn. Theo kết quả thử nghiệm của Pfizer, hiệu lực của vaccine này đạt 100% ở trẻ 12-15 tuổi.

Ngoài ra, Pfizer cũng công bố vaccine của hãng này có tính sinh miễn dịch cao, an toàn với trẻ 5-11 tuổi và đã nộp hồ sơ xin FDA phê duyệt khẩn cấp. Công ty này cũng đang thử nghiệm vaccine ở trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi và 2-5 tuổi.

Với Moderna, EMA đã phê duyệt vaccine này sử dụng cho trẻ 12-15 tuổi với nhận định hiệu quả và tác dụng phụ tương tự người lớn. Các nhà khoa học hiện chưa phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ vị thành niên cũng như ca nhiễm tại thời điểm 2 tuần sau khi tiêm mũi 2. Loại vaccine này cũng đang thử nghiệm ở trẻ 6 tháng-12 tuổi.

Nhung yeu to can nhac khi chon vaccine COVID-19 cho tre em-Hinh-3

Cán bộ y tế gọi người dân lên lấy giấy chứng nhận đã tiêm vaccine tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đức Anh.

Với AstraZeneca, loại vaccine này đang được thử nghiệm ở trẻ 6-17 tuổi.

Với Vero Cell, vaccine này đã được thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 ở trẻ 3-17 tuổi. Kết quả cho thấy vaccine Vero Cell an toàn và tạo ra đáp ứng miễn dịch khi tiêm đủ 2 liều. Dẫu vậy, vaccine Vero Cell vẫn chưa được phê duyệt sử dụng ở trẻ em vì chưa có kết quả thử nghiệm pha 3.

Với Covaxin, vaccine này đã hoàn thành thử nghiệm pha 2/3 cho trẻ 2-18 tuổi nhưng chưa có công bố kết quả.

Ngoài ra, một số loại vaccine khác cũng đang được thử nghiệm trên trẻ nhỏ như Novavax (Mỹ), Covaxin xịt mũi (Ấn Độ) hay Sputnik xịt mũi (Nga).

Về tác dụng phụ, tiến sĩ Thu Anh cho hay hiện chỉ có thông tin về tác dụng phụ ngắn hạn của mRNA vaccine. Theo đó, tác dụng phụ phổ biến là đau và sưng chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, có thể buồn nôn, thường tự hết sau vài ngày.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cũng đã nhận được một số báo cáo về trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna nhưng tỷ lệ rất thấp.

Với Pfizer, tỷ lệ viêm cơ tim sau tiêm là 162/1 triệu bé trai 12-15 tuổi và 94/1 triệu trẻ nam 16-17 tuổi. Các trường hợp này đều ở mức độ nhẹ. Tỷ lệ này cao hơn sau khi tiêm mũi 2 và thường xuất hiện trong vòng một tuần đầu sau đó.

Theo Quốc Toàn/Zingnews.vn