Đã từng đào tạo cho hàng trăm học viên ở các lứa tuổi, tầng lớp khác nhau, anh Tuấn Anh (SN 1983) nhận xét, phụ nữ học sẽ mất thời gian hơn.
Khả năng xử lý tình huống chậm, phản xạ kém, tâm lý yếu… nhưng bù lại, họ lái xe cẩn trọng, ít chủ quan hơn nam giới.
“Dạy học viên nữ khá dễ chịu, các chị nghiêm túc nhưng cũng nhiều câu chuyện bi hài khiến tôi phải cười ra nước mắt”, giọng chậm rãi anh chia sẻ.
|
Thầy giáo Tuấn Anh chỉ cho học viên hệ thống chân ga, phanh trên xe ô tô. |
Trường hợp nữ học viên ở Long Biên (Hà Nội) khiến anh đặc biệt ấn tượng. Chị 40 tuổi, rất chịu khó tập luyện. Có thời gian rảnh, chị đều thu xếp, gọi cho thầy đặt lịch học. Dù trời mưa hay nắng chưa thấy chị bỏ buổi nào.
Nữ học viên nói chị muốn va chạm nhiều với thực tế, sau này lái sẽ vững vàng. Thời gian mới học, anh Tuấn Anh cảm thấy hơi phiền phức vì cách 10 phút, chồng học viên lại gọi điện thoại dồn dập hỏi xem vợ đang ở đâu, tại sao không bật định vị GPS?
Chẳng may vợ mải tập hay điện thoại hết pin, anh ta luôn khó chịu, bực tức và mắng mỏ khi chị về đến nhà. Học viên tâm sự, chồng kém mình đến 5 tuổi. Hai vợ chồng đều có sự nghiệp riêng. Họ sở hữu trong tay vài căn biệt thự cao cấp. Kết hôn 10 năm, họ sinh được 3 đứa con.
Do thường xuyên đưa đón các con, đi taxi không được chủ động, chị mua xe, thuê tài xế riêng. Tuy nhiên, không ai trụ được lâu vì tính hay ghen tuông của chồng chị. Có lần, tài xế vô tình đỡ chị khi trượt chân, người chồng chứng kiến cảnh đó, tưởng hai người có tình ý, đã thẳng tay tát lái xe.
Tài xế tức giận, xin nghỉ việc. Không còn cách nào khác, chị đăng ký đi học lái. Từ khi được học viên tiết lộ lý do cá nhân, anh Tuấn Anh cũng thông cảm.
Một lần, anh Tuấn Anh lên giáo án cho học viên học lái, xử lý các tình huống ban đêm. Để tránh gây khó xử, thầy giáo sinh năm 1983 ghép cho chị này tập lái cùng nữ học viên khác. Đồng thời anh yêu cầu chị thông báo cho chồng biết trước, tránh sự nghi ngờ.
11 giờ đêm, buổi thực hành bắt đầu tại khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội). Xe vừa lăn bánh trên đường phố, điện thoại nữ học viên bất chợt reo chuông. Chị giật mình, phanh gấp, lập cập lấy điện thoại ra xem. Đầu dây bên kia là chồng chị.
Hóa ra, sợ chồng càng hiểu lầm, bắt ở nhà nên chị lẳng lặng, trốn chồng đi tập lái xe. Chẳng ngờ, đêm khuya không thấy vợ đâu, anh gọi điện tìm.
Lúc này chị mới nói mình đang học lái xe. Anh chồng không tin, nói oang oang trong điện thoại: “Cô ngoại tình còn viện cớ. Ai người ta dạy vào khuya khoắt thế này?”. Nói xong, anh chồng yêu cầu vợ phải mở cuộc gọi hình ảnh (face time) trên di động kiểm chứng thông tin.
Suốt 2 tiếng, anh chồng vẫn bắt mở điện thoại, không được tắt để xem vợ học hành ra sao. Chứng kiến vợ học nghiêm túc, lại có học viên khác, sau đó anh chồng mới thôi kiểm soát vợ. Ngày thi, đích thân anh chở vợ đến.
Anh Tuấn Anh cho biết thêm, còn có một số học viên nữ khi đến học, thường có cả “vệ sĩ” đi kèm. Nữ học viên tên Hồng anh đào tạo 4 tháng trước là một ví dụ.
Hồng giới thiệu mình ở nước ngoài từ năm 15 tuổi, mới về Việt Nam kết hôn 3 năm nay. Gia đình chồng rất chiều chuộng, yêu thương nên cuộc sống làm dâu của chị không gặp trở ngại nào.
Khi chị đề nghị đi học lái xe, gia đình chồng ra sức phản đối, vì họ sợ Hồng nhỏ bé, lại không thông thạo địa hình giao thông. Chị muốn đi đâu đã có tài xế riêng. Nhưng Hồng nằng nặc đòi học. Gia đình chồng đành nhượng bộ.
Ngày học lý thuyết diễn ra bình thường. Thế nhưng, khi sang học thực hành, Hồng khiến thầy giáo phải tá hỏa vì có cả gia đình gồm bố mẹ chồng, chồng và em gái chồng tháp tùng.
Trong khi chồng ngồi phía sau xe ô tô, bố mẹ chồng chị đứng từ xa quan sát. Hễ nghỉ giải lao là ra dặn dò, nhắc nhở con dâu các kỹ năng lái xe an toàn, nói luôn thay cả phần thầy giáo…
“Chứng kiến cảnh đó tôi vừa buồn cười vừa thấy ngưỡng mộ Hồng. Hiếm có con dâu nào được nhà chồng quan tâm, chăm sóc đến thế”, thầy giáo Tuấn Anh nhớ lại.
Một trường hợp khác, gây phiền nhiễu cho thầy giáo trong quá trình dạy lái không kém, là nữ học viên tên Nga. Chị đi học luôn có chồng song hành. Chồng chị là người có giọng nói sang sảng, nóng tính. Vợ lên xe tập thực hành là anh cũng xin phép ngồi ghế sau quan sát.
Suốt buổi học, người chồng này liên tục thể hiện khả năng “sư phạm” của mình. Đi đến đâu, xử lý ra sao anh đều chỉ đạo “sát sao”. Vợ xử lý kém, anh quát tháo, làm chị xanh mặt, mất hết cả tinh thần.
Tuy nhiên, bản thân anh chồng học lái xe không bài bản, nhiều phương pháp xử lý sai. Anh Tuấn Anh phải nhắc nhở để người đàn ông nhường quyền “dạy” cho mình.
Bị thầy nhắc, anh chồng ngượng ngịu, ngồi im nhưng chỉ được 30 phút, anh ta lại thao thao bất tuyệt. Thầy giáo đành nhã nhặn, mời chồng của học viên xuống xe.
Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm, ngoài yếu tố tâm lý, phụ nữ có một đặc điểm cần phải bỏ đó là hay tranh thủ trang điểm khi đang điều khiển xe. Anh từng gặp nhiều học viên nữ, đang cầm vô-lăng, họ cũng tranh thủ thoa son môi, dặm chút phấn.
“Làm đẹp là quyền của phái nữ nhưng tôi nghĩ, khi lái xe đều không được làm bất cứ thứ gì. Vì việc trang điểm cũng nguy hiểm không khác gì vừa lái xe vừa nói chuyện hoặc nhắn tin điện thoại. Chỉ trong một tích tắc mất tập trung cũng đủ để tai họa có thể ập đến”, thầy dạy lái nhấn mạnh.
(Tên một số nhân vật được thay đổi theo yêu cầu)
Theo Huy Tuấn - Thanh Tâm/Vietnamnet