Vài năm trở lại đây, việc sở hữu một chiếc xe ô tô riêng không còn quá khó với nhiều gia đình khá giả. Kéo theo đó là nhu cầu học lái xe ngày càng tăng, đặc biệt là đối tượng chị em phụ nữ.
11 giờ trưa chủ nhật, nắng rát mặt nhưng anh Phạm Tuấn Anh (SN 1983), thầy giáo dạy lái xe tại một trung tâm ở Hà Nội, vẫn tranh thủ kèm cặp học viên tập lái trên thực địa, chuẩn bị cho buổi thi thực hành vào đầu tuần.
|
Thầy giáo Phạm Tuấn Anh trong một buổi dạy thực hành. |
Tranh thủ giờ giải lao, anh dành cho chúng tôi ít phút trò chuyện. Trung bình 1 tháng anh hướng dẫn cho khoảng 15 - 20 phụ nữ đến học.
“Ngoài dạy đi thi, tôi còn bổ túc cả tay lái cho học viên có bằng nhưng không kinh nghiệm thực tế. Mỗi lần ngồi lên xe là họ bắt đầu hồi hộp, quên cả thao tác điều khiển.
Tình trạng có bằng nhưng không lái được xe khá phổ biến. Thường thì dạy cho đối tượng nữ sẽ lâu hơn, kỳ công so với học viên nam.
Quan trọng là giúp họ điều tiết tâm lý, xây dựng phản xạ và kỹ năng xử lý. Muốn họ làm được điều đó, người dạy phải đưa họ cọ xát các tình huống cụ thể.
Ví dụ, lái trên các địa hình từ bằng phẳng đến đồi núi, ban đêm, sương mù, trời mưa, đường ùn tắc. Hay cách lùi xe cho chuẩn”, thầy giáo sinh năm 1983 chia sẻ.
Theo thầy giáo, để nắm được các kỹ năng thuần thục, học viên cần trải qua khoảng 1000 km với tất cả các tình huống kể trên.
Anh Tuấn Anh cho biết, mình từng làm nghề lái xe nhưng sau đó bén duyên với công việc đào tạo, đến nay đã hơn 10 năm. Quãng thời gian đó, người đàn ông này đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
“Làm nghề này tưởng đơn giản, nhàn hạ nhưng thực tế nó cũng đầy rẫy áp lực, căng thẳng và nguy hiểm.
Quá trình thực hành, không may học viên lái xe sơ sẩy, gặp va chạm, trong khi mình ngồi bên cạnh hướng dẫn, nếu không xử lý khéo léo rất dễ gây ra xung đột…”, thầy giáo dạy lái xe bộc bạch.
Anh cho hay, cách đây 3 tháng, anh kèm cho nữ học viên 45 tuổi, làm sếp một công ty bất động sản. Mặc dù có tài xế nhưng nữ đại gia vẫn thích tự lái xe. Chị đã có bằng nhưng chưa bao giờ đủ dũng cảm điều khiển xe ra đường nên nhờ anh Tuấn Anh phụ đạo.
Công việc bận rộn, phần lớn chị chỉ học được 2 ngày cuối tuần hoặc giờ nghỉ trưa. Để tạo điều kiện cho học viên, anh Tuấn Anh thường cho họ tự bố trí lịch dạy kèm vào giờ rảnh rỗi.
Vị sếp nữ tiết lộ với thầy giáo, mình thi bằng với số điểm rất cao nhưng không hiểu sao, cứ nghĩ đến việc ngồi sau vô lăng là tim đập, chân run.
Buổi đầu tiên học, mặc dù được anh Tuấn Anh trấn an, chị vẫn bối rối, đôi lần quên mất phanh nằm ở đâu. Nhờ hệ thống phanh phụ trên xe, anh xử lý kịp thời, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, khi xe đi đến khu vực Hà Đông (Hà Nội), một chiếc xe máy bất ngờ đi từ dưới lên, cắt ngang đầu xe ô tô, rẽ vào ngõ. Nữ học viên hoảng hồn, phanh gấp, đạp nhầm luôn vào chân ga, va quệt với chiếc xe sang bên cạnh.
Mặc dù đã quá quen với những tình huống này nhưng anh Tuấn Anh vẫn cảm thấy nghẹt thở khi hai xe va vào nhau.
Chủ phương tiện là người đàn ông đeo kính cận bước xuống, chặn đầu xe. Người này đập cửa kính, bắt đầu lăng mạ lái xe vì tội lái ẩu. Ông ta còn yêu cầu bồi thường khoản tiền sửa chữa xe.
Nữ đại gia thấy hai xe không hề hấn gì nên tỏ ý phản đối, nói hơi khó nghe. Bực mình, ông ta lớn tiếng, gọi người nhà đến, đòi đánh nhau. Hai người mặt đỏ tía tai, chỉ chực xông vào cho đối phương một trận.
Trước tình cảnh lộn xộn, ầm ĩ, anh Tuấn Anh xin lỗi, giải thích rằng đây chỉ là chuyện không may, do học viên đang tập lái. Lúc này quan sát thấy biển đề xe tập lái người đàn ông kia mới dịu lại, lên xe bỏ đi.
“Bên cạnh truyền đạt kinh nghiệm, tôi cũng nhắc học viên luôn giữ thái độ hòa nhã trong bất kể tình huống nào. Vì có đánh nhau, mình cũng thiệt”, anh Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, anh cho hay, tình huống kể trên chỉ là hi hữu, hiếm khi xảy ra. Vẫn theo lời thầy giáo sinh năm 1983, một nguyên tắc anh thường dặn dò các học viên nữ khi học lái xe ô tô là chú ý trang phục. Họ tuyệt đối không được mặc váy ngắn hay sử dụng giày cao gót.
Anh cho hay, quá trình lái xe, nhiều trường hợp run quá, gặp sự cố, thay vì đạp vào phanh, họ đạp luôn chân ga. Thầy giáo ngồi ghế phụ kêu đưa chân khỏi bàn đạp ga nhưng học viên tinh thần hoảng loạn, buộc anh phải cầm chân họ nhấc ra.
Vì thế để tránh hiểu lầm đáng tiếc nảy sinh giữa thầy và học viên, anh lưu ý họ mặc quần dài.
“Một đồng nghiệp mới vào nghề của tôi từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi dạy lái xe cho cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Cô ấy thuê thầy dạy riêng, không muốn ghép lớp. Buổi đầu tiên, nữ học viên đó mặc váy ngắn, thầy nhắc nhở nhưng cô bỏ ngoài tai.
Khi gặp sự cố trên đường, cô gái bấn loạn, chân ấn vào bàn đạp ga. Trong tình thế gấp rút, bạn tôi cầm chân cô gái đó kéo ra.
Cô gái bất ngờ quay sang tát thầy vì cho rằng mình bị sàm sỡ rồi nằng nặc đòi lại tiền”, thầy giáo này nhớ lại.
Lý giải về việc khuyến cáo không nên đi giày cao gót khi điều khiển ô tô, thầy giáo cho biết thêm: "Thực tế, việc sử dụng giày cao gót làm nguy cơ tai nạn tăng cao.
Mặt tiếp xúc nhỏ khiến chân dễ trượt khỏi bàn đạp. Hậu quả sẽ khôn lường nếu đó là một tình huống phanh khẩn cấp. Bên cạnh đó, đôi gót dài có thể mắc kẹt làm vô hiệu hóa đôi chân của người lái".
Ngoài ra, trường hợp học viên nữ thi bằng lái tới 4 lần vẫn không đỗ vì vấn đề tâm lý khiến anh Tuấn Anh nhớ mãi. Người phụ nữ đó ngoài 30 tuổi, nhìn trông cứng cỏi, mạnh mẽ nhưng hễ lên xe là toát mồ hôi hột.
Chị chán nản, bỏ ngang, phải 1 năm sau mới tiếp tục luyện tay lái. Trước giờ thi, anh Tuấn Anh phải gọi điện động viên. Khi đạt điểm tuyệt đối, chị nhảy cẫng lên vì sung sướng, chia sẻ rằng: "Cảm giác còn vui hơn cả đỗ đại học".
Theo Thế Huy - Minh Anh/Vietnamnet