Bà về làm vợ ông năm 30 tuổi. Bà hiền, quanh năm suốt tháng chỉ làm lụng ngoài đồng, không bạn bè, không quen biết ai. Các cuộc hôn nhân của bà đều do cha mẹ xếp đặt. Hai người chồng trước qua đời vì bệnh tật. Người ta nói rằng bà mang số “sát phu”.
|
Ảnh minh họa |
Hai lần xuất giá rồi nuốt nước mắt đau khổ khăn gói trở lại nhà cha mẹ, bà mặc cảm, thu mình trong đơn độc. Ai cũng nghĩ bà sẽ sống lầm lũi như vậy đến cuối đời. Bỗng đâu có người đàn ông góa vợ muốn hỏi cưới, gia đình mừng vui. Bà con xa gần đều khuyên bà đi thêm bước nữa.
Nhà ông khá giả, nhiều đất đai. Tính tình ông hiền lành, lại chí thú làm ăn. Thấy con gái còn phân vân, người cha già cố gắng thuyết phục. Mười anh em đều có gia đình riêng, chỉ mỗi mình đứa con út đơn chiếc. Nếu không gả được đứa con này, cha mẹ sẽ không thể yên lòng nhắm mắt. Nghe đến đây, bà sụt sùi đồng ý.
Những ngày đầu về nhà chồng, bà hứng chịu mọi sự ghẻ lạnh của ba đứa trẻ dù luôn cố gắng lấy lòng chúng. Bà nội và ba khuyên gọi bà là mẹ, bọn trẻ vẫn cương quyết kêu dì.
Niềm an ủi lớn là bà được mẹ chồng và chồng đối xử tốt. Có vợ chăm sóc con cái, nhà cửa, ông yên tâm dốc sức lo làm ăn. Cơ ngơi của gia đình ngày càng bề thế. Bà sinh thêm hai đứa con. Bọn trẻ quấn quýt thương yêu nhau nhưng ba đứa lớn vẫn lạnh nhạt với mẹ kế.
Đứa con gái lớn đến tuổi lập gia đình. Bà kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân vì chàng rể tương lai tính tình không tốt. Mâu thuẫn mẹ ghẻ con chồng lại được dịp bùng phát. Hai đứa em bênh vực chị, đòi năm học tới sẽ chuyển sang trường nội trú.
Việc chưa lắng xuống, ngày cưới cận kề, cô gái phát hiện người yêu quan hệ lăng nhăng. Anh rượt đánh vợ tương lai ngay trong ngôi nhà của cô, khi cô muốn làm sáng tỏ mọi chuyện. Bà bảo con gái thay quần áo mới rồi cùng con mang trang sức trả lại cho nhà trai. Ba năm sau, cô gái lấy chồng. Họ ra riêng với một nhà máy xay lúa do cha mẹ vợ lo liệu.
Bốn đứa con còn lại lần lượt trưởng thành, có cơ ngơi riêng. Ai cũng chăm chỉ làm ăn. Mỗi ngày, bà bận bịu với đàn cháu lớn nhỏ đông đúc. Sáng sớm, cha mẹ tranh thủ đưa chúng đến gửi bà chăm, chiều rước về. Trẻ con ồn ào, khi tụ tập đông càng nghịch ngợm. Một mình bà vừa lo cho chúng, vừa chăm sóc ông đau bệnh đã nhiều năm.
Một đời hy sinh cho chồng con, bà thậm chí dành nhiều yêu thương hơn cho ba đứa con đầu. Vậy mà cái lằn ranh mẹ kế - con chồng vẫn không thể xóa nhòa. Ba đứa vẫn gọi bà là dì, lúc vui thì thôi, khi gặp chuyện không vừa ý, họ lại bươi móc những chi tiết nhỏ nhặt để hờn trách.
Bà nằm xuống sau một cơn bệnh giữa mùa đông rồi không thể nào gượng dậy nổi. Gia đình của hai đứa con út sống nơi xa. Ba đứa lớn luân phiên lui tới chăm sóc cha mẹ. Được nửa năm, ông qua đời.
Cô con gái đầu dời nhà máy xay lúa về ở cạnh để tiện lo cho bà. Những đứa cháu cũng đã lớn lên, ngoan ngoãn, chăm chỉ. Ngoài giờ học, chúng biết phụ trông coi quầy gạo và chăm sóc bà ngoại.
Họ nói với bà, có nuôi con cực khổ mới biết mẹ đã vất vả với năm đứa tụi con ra sao. Cả đời bà chỉ chờ nghe được câu nói đó.
Theo Phunuonline