Đã từ lâu, mọi người vẫn truyền nhau những bài thuốc chưa được kiểm chứng như: đau bụng, đau lưng uống mật cá trắm sẽ khỏi; hen suyễn, ho kinh niên, nuốt mật cá trắm sẽ hết bệnh; người ốm yếu, suy nhược uống mật cá trắm sẽ khoẻ..., coi mật cá trắm là một “tiên dược” có thể chữa khỏi bách bệnh.
Cũng vì vậy, hàng năm, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp nhận khoảng 10 - 20 ca ngộ độc mật cá trắm, thường là nam giới, không ít ca tử vong do nhập viện quá muộn.
Có không ít người nuốt mật cá trắm nếu nhập viện muộn, không kịp chạy thận, thải độc, truyền dịch sẽ không qua khỏi cơn hiểm nghèo. Có người nuốt nguyên cả mật, có người nuốt mật kèm một chén rượu, có người hòa mật với rượu uống. Dù uống cách nào cũng có thể dẫn đến ngộ độc chết người.
|
Đã có nhiều người chết vì ngộ độc do nuốt mật cá nhưng đến nay người dân vẫn thường xuyên sử dụng nhưng một phương thuốc dân gian. |
Độc tố trong mật cá được xác định là Cyprinol sulfat, một acid mật C27. Khi vào cơ thể người gây độc tới các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Mặc dù ngộ độc các loại cá khác nhau, nhưng bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhau, phù hợp với cùng một loại độc tố.
Độc tố chỉ có trong mật, gan và tụy của cá; không có trong thịt cá. Đặc biệt chỉ thấy trong mật cá nước ngọt chứ không có trong cá nước mặn. Độc tố rất bền đối với nhiệt, vì vậy nạn nhân vẫn có thể bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín.
Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Cá trôi chỉ nặng 0,5kg nhưng khi uống mật cá cũng gây suy thận cấp. Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Trong sách của danh y Tuệ Tĩnh, dược điển cổ Trung Hoa và sau này là GS Đỗ Tất Lợi có nói mật cá trắm trị tắc họng (viêm amidan, viêm họng), đau mắt đỏ có màng gây mờ mắt, hóc xương, nhiệt sang (lở loét miệng), lở loét da, đỉa chui vào mũi (bị bôi mật cá, đỉa mất khả năng hút), hen suyễn, co giật, sưng đau âm hộ... nhưng “mỗi lần dùng một ít”, chứ không dạy nuốt cả cái mật bao giờ.
Trong các bài thuốc Đông y, chỉ có một số loại mật được dùng để làm thuốc chữa bệnh, nhưng thường được bào chế thành dạng viên. Công đoạn bào chế rất phức tạp, với liều lượng, nồng độ nhất định nên người dân chỉ được sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc với liều lượng và cách chế biến của bác sĩ phù hợp từng bệnh nhân cụ thể.
Hiện nay, các thầy thuốc Đông y nói mật cá không có tác dụng bồi bổ cơ thể, càng không có chuyện tráng dương.
Vì vậy, người dân không nên tự ý chữa bệnh tại nhà, đặc biệt không áp dụng các bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ khoa học vì có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm chết người. Tuyệt đối không dùng mật cá để chữa bệnh, đừng nên tự gây hại sức khỏe bản thân vì thiếu hiểu biết.
Thảo Nguyên