Óc heo hấp lá ngải cứu là món ăn được nhiều người Việt ưa chuộng. Ngoài dành tẩm bổ cho người già, người ốm, óc heo được nhiều người tin là “thuốc tăng cường trí thông minh” cho trẻ, vì vậy họ các bà mẹ hay mua về hầm, chưng... cho con ăn. Nhiều bà mẹ bắt con mỗi ngày ăn óc heo để được thông minh.
Còn về lá ngải cứu, theo đông y, lá này có vị đắng, cay, tính ôn, mang tác dụng điều hòa khí huyết, an thai, cầm máu. Lá ngải cứu vừa là món ăn vừa là vị thuốc khi kết hợp với các thực phẩm khác, chẳng hạn như: Canh ngải cứu nấu với thịt nạc, trứng gà tráng ngải cứu, gà tần ngải cứu, cháo ngải cứu ăn với đường…
|
Nhiều người vẫn thường mua các loại óc động vật về cho người già, trẻ em hoặc người ốm yếu tẩm bổ. Ảnh minh họa |
Để làm món óc heo hầm ngải cứu, người ta đem óc heo làm sạch gân máu, rửa lại nước thật sạch, ngâm vào nước có pha muối chừng vài phút.
Ngải cứu rửa sạch để ráo. Gừng thái nhỏ, thêm một ít rau ngổ. Sau đó, đem lót lá ngải cứu quanh tô, đặt óc heo lên trên để hấp, chỉnh nhỏ lửa chừng 10–15 phút là chín, tiếp tục cho tiêu, gừng, rau ngổ, chút muối, bột nêm vừa ăn.
Với quan niệm “ăn gì bổ nấy”, nhiều bà nội trợ thường mua các loại óc động vật về cho người già, trẻ em hoặc người ốm yếu tẩm bổ, tuy nhiên theo các bác sĩ, cần thận trọng khi ăn óc bởi thực phẩm này không “bổ” như nhiều người vẫn nghĩ.
Chuyên gia dinh dưỡng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao, ăn thường xuyên sẽ làm xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng acid uric, tăng huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Do vậy, khi trẻ ăn óc heo thường xuyên, ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ dư thừa chất cholesterol, nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ.
Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, vì vậy nên nếu ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân – béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ.
Bác sĩ Ngô Thị Phi Yến (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) thông tin thêm, vì óc heo chứa ít chất sắt nên nếu trẻ chỉ ăn đơn thuần óc heo trong thời gian dài cũng sẽ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt, ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Theo Hà Linh/ĐSPL