Phân biệt chắp - lẹo, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả

Google News

Chắp và lẹo là hai bệnh thường gặp ở bờ mi mắt. Hai bệnh này khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn, vì vậy phân biệt 2 chứng bệnh này rất cần thiết cho mỗi người để việc điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.

Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh chắp và lẹo có đặc điểm chung là gây đau nhức bờ mi, kết hợp với tình trạng phù nề làm cho bệnh nhân rất khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt. Lẹo hình thành từ sự nhiễm khuẩn ở vùng chân lông mi. Do có vị trí xuất hiện đặc trưng như thế nên còn gọi là lẹo ngoài. Lẹo còn có thể xuất hiện phía trong hoặc bên dưới mi mắt nếu một trong các ống tuyến nhờn bị nhiễm khuẩn. Lẹo còn có thể được gây ra từ sự viêm nhiễm lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có.
Phan biet chap - leo, cach dieu tri va phong ngua benh hieu qua
Khi bị chắp, lẹo, cần tra thuốc theo hướng dẫn để tránh tổn thương lan rộng hoặc tái phát. 
Chắp được tạo nên từ sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt nên không gây đau. Nếu lẹo trong được thoát lưu hoặc không điều trị khỏi hẳn thì nó có thể chèn ép các tuyến và tạo nên chắp.
Cách phân biệt bệnh
Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như staphylocoque gây nên. Khi lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau, tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ. Lẹo rất hay tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.
Lưu ý một số trường hợp khi bị chắp, lẹo
Bệnh nhân đái tháo đường cần khống chế đường huyết tốt, chống nhiễm trùng phụ trên toàn thân. Bệnh nhân có viêm bờ mi, viêm da nói chung cần có giấy vệ sinh, gel vệ sinh riêng cho vùng mắt và bờ mi. Người bị táo bón kinh niên hay trẻ em bị loạn khuẩn đường ruột, trẻ nuôi sữa ngoài... hay bị chắp lẹo tái phát. Mất cân bằng vi khuẩn chí đường ruột, nhiễm độc nội độc tố từ đường tiêu hóa được coi là thủ phạm gây nên tình trạng này. Nên tránh thói quen thức đêm, hút thuốc tiệc tùng, rượu bia nhiều.
Chắp là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Chắp có nhiều dạng. Chắp bên ngoài là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.
Chắp bên trong thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của chắp. Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.
Khi bị chắp, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: sưng, đau, đỏ, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt; sau vài ngày chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi mắt thành một khối màu đỏ, xám dưới kết mạc.
Điều trị bệnh
Khi có dấu hiệu bị chắp lẹo, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt để được điều trị. Mỗi bệnh được điều trị theo lộ trình khác nhau. Bệnh thường tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách (rửa mắt bằng nước muối, không tự ý nặn mủ ở lẹo...). Khi thấy lẹo to dần, sưng đau, chảy máu, mắt khó nhìn... cần nghĩ ngay đến tình trạng bội nhiễm nặng cần điều trị tấn công kịp thời.
Nếu không xử lý ngay tình trạng viêm nhiễm ở mắt thì sự lây nhiễm có thể lây lan sang các tuyến dầu của mí mắt và gây ra một mụn lẹo ở mí mắt bên kia. Với bệnh chắp nên chườm nóng nhằm giảm đau với các tổn thương sớm. Sử dụng cortioid, chích chắp đối với chắp to hoặc chắp dai dẳng (theo chỉ định của bác sĩ điều trị) hoặc kết hợp cả hai phương pháp. Tuy nhiên, do chắp ở mi thường nằm sâu trong sụn nên khi chích phải nạo thật sạch các chất nhầy để tránh tái phát.
Biện pháp ngăn ngừa
Không đưa tay dụi, chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan. Bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm không khí bằng cách đeo kính an toàn mỗi khi đi đường, đặc biệt khi làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ. Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng. Nếu bạn thường xuyên trang điểm, cần tẩy trang cho mắt sạch sẽ hàng ngày. Thay mascara ít nhất mỗi 6 tháng/lần bởi vì vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm. Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau hoặc đồ trang điểm mắt.
Rửa tay thường xuyên và luôn để tay rời xa khỏi tầm mắt của bạn. Chú ý, không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây quặp mi, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.
Theo Trúc Linh/ANTĐ