Chị Nguyễn Thị Bích Phương (Hà Đông, Hà Nội) kể: Mỗi năm đến Tết chị lại vô cùng mệt mỏi vì bị giục sinh thêm con. Năm ngoái, cả gia đình về quê ăn Tết, bà thím chồng chị sáng mùng 1 cả đại gia đình cùng nhau cúng gia tiên đã bảo “Cái Phương năm nay xin các cụ thằng cu đi, nhà có điều kiện, các con lớn rồi để thêm thằng cu cho đủ nếp đủ tẻ”.
Nghe bà thím nói thế, đầu năm mới chị Phương cố gắng nhịn nhưng con gái út học lớp 2 của chị đã không bình tĩnh được như mẹ. Cháu đã hét lớn: “Mẹ cháu không được đẻ em nữa”. Bà thím sững người, nhưng vẫn cố "vớt vát"lôi kéo cả nhà lại "khuyên nhủ" thêm, nào là đẻ thêm đứa nữa cho đủ nếp đủ tẻ và đủ các lời hỏi tại sao không...
|
Ngày Tết, phát rồ vì gặp những câu hỏi “vô duyên” khiến bạn... khó đỡ. Ảnh minh họa |
Thực tế, chị Phương đã sinh được hai bé gái. Bé lớn học lớp 4, bé nhỏ đang học lớp 2 và vợ chồng chị không có ý định sinh thêm con nữa do sức khỏe của chị Phương không tốt, nhưng mọi người trong nhà không biết lại cứ giục chị đẻ thêm. Chị Phương rất ái ngại khi về quê hay bị hỏi "bao giờ đẻ nữa, đẻ thêm thằng cu đi"…, khiến chị ngán ngẩm.
Cũng nỗi niềm tương tự, còn chị Đoàn Thị Duyên (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Cứ đến Tết chị lại rất ngao ngán với điệp khúc ở quê chồng là bị giục sinh con. Vợ chồng chị Duyên chỉ có một bé gái rồi sau đó chị Duyên bị u buồng trứng, phải cắt 1 bên nên giờ rất khó mang thai.
Là chuyện cá nhân nên chị cũng không nói với gia đình, ngoài chồng để anh hiểu được cơ sự. Tuy nhiên, mỗi lần về quê ăn Tết là chị lại được người thân bên chồng mách đi sang ông lang này, bà mế khác để chữa trị mà đẻ thêm con dù cũng chẳng rõ thực hư chị bị bệnh gì mà chỉ biết chung chung do... khó đẻ. Thậm chí, chị Duyên còn bị chị gái chồng "đá đểu" rằng, hay để cậu Minh (chồng chị Duyên) đi gửi lấy thằng cu.
Nếu phụ nữ thường đau đầu với những câu hỏi của người khác, đặc biệt với những câu hỏi mang tính chọc ngoáy, đá xéo thì với nam giới, họ cũng khá phiền muộn với chuyện bị giục lấy vợ hay chuyện đi bước nữa. Anh Nguyễn Văn Nam (Hải Phòng) kể: Anh ly hôn vợ được 3 năm, nhưng mỗi lần về quê là lại bị người nhà giục... lấy vợ. Thậm chí có người còn hỏi lương bao nhiêu, có nhà cửa mới cưới được vợ, rồi hăng hái dẫn đi mối lái chỗ này, chỗ kia khiến anh thấy ngao ngán.
TS Vũ Thu Hương – Nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, bản thân chị cũng gặp nhiều câu hỏi của người khác một cách vô duyên như thế. TS Hương cho rằng, tôn trọng sự riêng tư là điều mà hầu như chưa người Việt nào làm được. Bất luận là người qua đường gặp nhau, chúng ta cũng có thói quen xấu là hỏi nhau thông tin riêng tư 1 cách quá dễ dàng. Chưa kể, họ có thể xiên xỏ, khuyên nhủ kiểu áp đặt cho người khác hết sức kì lạ mà không cần để ý tới tâm trạng của người đối diện.
TS Hương cho rằng, hiện có những câu hỏi có thể coi là thiếu văn hóa như có chồng/không chồng, có con/không con, lương cao, lương thấp..... đều là việc cá nhân của từng người. Có ngàn vạn lý do để họ (người được/bị hỏi) ở hoàn cảnh đó, có lý do tốt lành, cũng có lý do không tốt lành. Nhưng đã là việc riêng tư, nếu họ không muốn chia sẻ mà cứ hỏi sẽ gây cảm giác khó chịu vì họ có thể coi đó là lĩnh vực nhạy cảm. Vì thế, câu hỏi dạng đó là những câu hỏi gây khó chịu, thậm chí ức chế nên tránh trong ngày Tết.
Có người có bệnh nặng, họ không thể có em bé. Có người thật sự ghét chuyện lập gia đình, chỉ thích độc thân. Có người thật sự mong lấy chồng nhưng họ không thể lấy do nhiều lí do hoặc đơn thuần đang khó kiếm đối tượng vừa ý chứ không phải quá kén chọn gì. Có người lương thấp, phải nói ra lương khiến họ xấu hổ với người đối diện, thậm chí với chính bản thân...
Có vô vàn lý do khiến câu hỏi kia (của người hỏi) trở thành mũi dao ngoáy vào nỗi đau của người được/bị hỏi. Vậy những người kia đương nhiên không muốn nghe câu hỏi dạng này, họ khó chịu là đúng. Còn những người hỏi, đơn thuần chỉ là quan tâm chứ không có ác ý gì nhưng cách hỏi, câu hỏi không phù hợp sẽ khiến câu chuyện trở nên nặng nề và mối quan hệ cũng vì thế mà đi và bế tắc, thậm chí tan vỡ nếu một trong 2 phía mất bình tĩnh.
Rơi vào hoàn cảnh bị hỏi “vô duyên”, TS Hương cho rằng bản thân chị còn cảm thấy vô cùng khó chịu dù đã khá hiểu tâm lý người khác. "Nhiều người xúi là nói dối 1 câu hoặc chém linh tinh cho loãng câu chuyện đi rồi tìm cách thoái lui, nhưng đó không phải là cách tốt. Tại sao lại bị ép nhau phải nói dối? Tại sao lại phải nói những câu vô thưởng vô phạt dạng đó. Cuộc nói chuyện thật nhạt nhẽo và bạn có nên cần phải tiếp xúc và cứ lặp đi lặp lại với những câu hỏi, câu trả lời theo kiểu ứng phó như thế trong cả dịp Tết? Chẳng ai muốn thế cả!"-TS Hương phân tích.
Điều kỳ lạ và đáng buồn hơn, khi những người được/bị hỏi thật thà đưa ra vài thông tin ban đầu thì sẽ nhận được những lời khuyên cực kì.... buồn cười, thậm chí ấu trĩ khiến người bị hỏi chỉ muốn nổi quạu. Ví dụ như: "Già rồi, ế rồi. Lấy đi chứ" hay "Đẻ đi - bệnh tật thì thụ tinh ống nghiệm"; "Bỏ việc đi - lương thấp thế làm để làm gì"... Đúng là vô vàn những tình huống dở khóc dở cười với những câu hỏi khó đỡ như vậy trong dịp Tết nhiều người đang phải đối mặt.
"Quan tâm có thể hỏi thăm nhau nhưng không nên xen vào đời tư của người khác và tránh những câu hỏi vô duyên khiến người đối diện buồn và khó chịu. Hãy là người có văn hóa, nếu muốn quan tâm thì cũng cần lựa những câu hỏi văn minh khi hỏi, nhất là dịp Tết cần vui vẻ kẻo hỏi rồi đâm ra lại... mất vui cho cả 2 phía", TS Hương kết luận.
Theo Infonet