Trong số các thành phần của rau chân vịt, phytochemicals có tác động kháng ung thư. Phytochemicals trong rau chân vịt gồm 3 nhóm chính:
- Nhóm carotenoid chứa beta-caroten, lutein, zeaxanthin: tác dụng ngăn chặn hình thành gốc tự do, từ đó hạn chế tổn thương ADN trong cơ thể.
- Nhóm flavonoid chứa lutein: tác dụng làm ức chế sự phát triển mạch máu trong khối u, thúc đẩy quá trình chết của các tế bào bất thường (apoptosis).
- Nhóm flavonoid chứa quercetin: tác dụng giảm viêm, tăng sửa chữa ADN, thúc đẩy quá trình apoptosis.
Với thành phần hóa học như trên, nhiều nghiên cứu đã ra đời để đánh giá tác dụng của rau chân vịt với tình trạng bệnh lý, trong đó có bệnh ung thư.
Mới đây, một nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ đã khám phá mối quan hệ giữa rau chân vịt, sức khỏe đường ruột, gen và ung thư đại trực tràng, khẳng định rằng ăn nhiều rau chân vịt có thể ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng nằm trong top đầu của các loại ung thư, ngoài việc phát hiện sớm và kiểm soát bệnh thông qua tầm soát thường xuyên, bác sĩ cũng khuyên nên ăn nhiều rau xanh và trái cây. Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Texas A&M đã sử dụng mô hình bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP) để điều tra mối quan hệ giữa rau chân vịt, sức khỏe đường ruột và ung thư đại trực tràng. Họ phát hiện ra rằng việc ăn liên tục rau chân vịt trong 26 tuần cho thấy tác dụng chống khối u đáng kể trong ruột kết và ruột non.
Phân tích chỉ ra rằng, rau chân vịt có thể ức chế các khối u, tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột, có liên quan đến những thay đổi trong biểu hiện gen, điều chỉnh các axit béo liên quan đến viêm như chất chuyển hóa axit linoleic.
Mặc dù đa polyp tuyến gia đình là một bệnh di truyền, các nhà nghiên cứu tin rằng ăn nhiều rau chân vịt cũng có thể bảo vệ cơ thể bạn trước ung thư đại trực tràng.
Theo các chuyên gia, thói quen ăn uống phản khoa học và chất gây ung thư tích tụ trong nhiều năm sẽ làm thay đổi cách biểu hiện gen trong đường tiêu hóa, nếu biểu hiện không bình thường có thể khiến các polyp phát triển trong đại tràng và đường tiêu hóa dưới, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành ung thư.
Theo Minh Nhật/ Dantri