Theo đó, người bệnh T.V.T (36 tuổi, Nông Cống, Thanh Hóa) sau tai nạn lao động cơ khí bị máy dập nghiền nát ngón I bàn tay phải đã được làm mỏm cụt từ tháng 7/2023. Sau phẫu thuật làm mỏm cụt mất đi ngón tay cái người bệnh đau nhiều và không thể quay lại lao động.
Đến thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người bệnh đã được tiến hành hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và BSCKII. Nguyễn Cao Viễn, Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh).
Các bác sĩ đã thống nhất chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái phục hình trả lại bàn tay cho người bệnh. Sau hơn 100 ca vi phẫu nối chi thể đứt rời đã thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, đây là ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện cũng như tại Hải Phòng.
Vi phẫu tạo hình chuyển ngón chân lên tái tạo ngón tay cái.
Khi sức mạnh cộng hưởng
10h sáng ngày 19/1/2024 các bác sĩ Vi phẫu tạo hình thẩm mĩ, Gây mê hồi sức cơ sở An Đồng cùng BSCKII. Nguyễn Cao Viễn đã tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Người bệnh đã được hai kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật đồng thời.
Kíp 1: Chuẩn bị nơi nhận vạt (bàn – ngón tay phải)
– Phẫu tích bộc lộ phần xương khớp đốt bàn còn lại vùng nhận vạt tại ngón cái tay phải
– Tìm gân gấp, gân duỗi dự kiến sẽ nối với gân của phần ngón chân đưa lên.
– Tìm và bộc lộ mạch nhận gồm 01 động mạch, 02 tĩnh mạch, tìm thần kinh cảm giác.
Kíp 2:
– Thiết kế theo đường rạch da hình chữ V và dích dắc để lấy vạt ngón chân. Lấy ngón thứ 2 bàn chân phải.
– Phẫu tích cuống mạch đủ dài để nối với mạch nhận.
– Phẫu tích gân gấp, gân duỗi đính kèm với từng ngón chân.
– Cắt xương
– Cầm máu, đóng trực tiếp vết mổ.
– Chuyển vạt và nối mạch, kết hợp xương bằng nẹp vis, nối gân gấp – gân duỗi.
– Phẫu tích, chuẩn bị mạch, nối mạch máu thần kinh bằng kính vi phẫu
Sau 6 giờ phẫu thuật thành công mạch máu ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái lưu thông tốt, búp ngón hồng căng hồi lưu mao mạch khoẻ. Người bệnh được đặt dụng cụ bảo vệ ngón sau phẫu thuật
Các y, bác sĩ tiến hành vi phẫu thuật cho người bệnh.
Điều kỳ diệu của kỹ thuật vi phẫu
Sau phẫu thuật 1 ngày ngón chân được chuyển lên tái tạo ngón tay cái của người bệnh T.V.T đã hồi sinh có thể cử động, cảm giác được và được hướng dẫn tập phục hồi chức năng.
Các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn thường hay gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Trong thực tế, dù không hề muốn nhưng đôi khi chúng ta có thể chứng kiến những tai nạn mà một phần của cơ thể bị đứt rời, đặc biệt là các ngón tay, ngón chân, trong lao động sử dụng các loại máy cắt, máy cưa.
Khoảng 30 năm trước ở Việt Nam (trên thế giới là 40 năm), câu trả lời là xã hội lại có thêm một người thương tật nặng vĩnh viễn. Cho đến nay thì câu chuyện về những nạn nhân bị đứt rời ngón tay, ngón chân và những phần khác của cơ thể đã khác hẳn vi phẫu thuật đã mở ra hy vọng điều trị cho người bệnh phục hình, tái tạo lại phần chi thể bị mất đi để tái hòa nhập lao động, cống hiến,…
Không phải chỉ bó hẹp trong những trường hợp tai nạn đứt rời chi thể, mà vi phẫu thuật thực sự mang đến những điều kỳ diệu trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, sửa chữa, tái tạo những di chứng, những khiếm khuyết do bẩm sinh và mắc phải như tái tạo lại da đầu, da mặt, dương vật,…
Thay bằng mất vài lần phẫu thuật theo phương pháp kinh điển, với phẫu thuật vi phẫu chỉ cần một lần phẫu thuật. Hay những trường hợp liệt một nhóm cơ vận động, bằng kỹ thuật chuyển ghép cơ co nối thần kinh, mạch máu vi phẫu có thể trả lại chức năng vận động và khả năng lao động cho người bệnh, điều mà trước kia được coi là không thể.
Hay việc dùng cả một mảng da lớn lành lặn ở những vùng kín đáo như lưng, đùi thay thế cho những sẹo bỏng chằng chịt ở vùng cổ, mặt, giúp người bệnh có thể ăn uống và quan trọng hơn là hòa nhập cộng đồng và còn rất nhiều điều tuyệt vời về giá trị mà vi phẫu thuật mang đến cho người bệnh,…
Để có thể làm những điều kể trên không chỉ đòi hỏi máy móc, kính hiển vi phẫu thuật hiện đại thì bác sĩ phải có tay nghề trình độ cao chuyên sâu đặc biệt là sự tận tâm với người bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Thế May, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: “Những thành công, giá trị của vi phẫu thuật đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nền ngoại khoa nói riêng và y học nói chung. Vi phẫu thuật đã được ứng dụng hầu hết trong các chuyên khoa của các bệnh viện lớn ở Việt Nam trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Trong những năm vừa qua Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là cơ sở y tế duy nhất tại Hải Phòng có đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn thực hiện thành công vi phẫu thuật đem lại hy vọng cho rất nhiều người bệnh không chỉ nối chi thể đứt rời như người bệnh T.V.T mà còn rất nhiều trường hợp tái tạo lại vùng cơ thể khiếm khuyết sau điều trị ung thư, vi phẫu thoát vị đĩa đệm, thần kinh trong chuyên ngành sọ não cột sống,…".
TS.BS Nguyễn Đức Thành (Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)
TS.BS Nguyễn Đức Thành