Theo đó, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 3/5, trong số các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện đã có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.
Riêng bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. dù tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.
Hội chẩn chuyên môn các ngày trước đó đánh giá tình trạng BN 91 có phổi phải xẹp vùng sau dưới, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, tiên lượng còn nặng.
Tập trung thảo luận về nam bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn cho ý kiến về các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm…
Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn, virus…
|
Ảnh minh họa |
Trước đó, từ ngày 8/4, khi bệnh nhân 91 có diễn biến xấu, các chuyên gia của Bộ Y tế tham gia hội chẩn điều trị cùng thống nhất cố gắng bằng mọi cách để điều trị cho bệnh nhân này.
Tiểu ban Điều trị đã cử kíp bác sĩ hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) cho bệnh nhân nặng này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Theo Bộ Y tế, có 2 vấn đề lớn ở bệnh nhân này là bị rối loạn đông máu rất trầm trọng, kháng các thuốc đông máu đang dùng ở Việt Nam dù thuốc rất tốt. Ngoài ra, nam phi công bị phản ứng miễn dịch dữ dội và Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc trị đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân này.
Về bệnh nhân 19 (là bác gái BN 17): Người phụ nữ 64 tuổi ở Hà Nội có bệnh lý nền này đã nằm viện được hơn 50 ngày và nằm ở Khoa Hồi sức tích cực (ICU) - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được hơn 40 ngày. Hiện bệnh nhân cũng không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.
Về trường hợp bệnh nhân này, trong cuộc hội chẩn trực tuyến ca bệnh nặng vừa diễn ra, hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như khi máu, XQ phổi đều đã tốt lên.
Bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở. Các thành viên hội đồng chuyên môn hi vọng bệnh nhân sớm được ra khỏi Khoa ICU trong tuần tới.
Bệnh nhân này đã có hơn 50 ngày điều trị bệnh, là người phải điều trị lâu nhất trong số những ca ghi nhận ở Việt Nam. Trước đó, sau khi vào viện hơn 10 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở máy sau đó do tình trạng suy hô hấp tăng nặng, phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Quá trình chạy ECMO kéo dài từ ngày 19/3 đến 4/4 thì được cai máy, quay trở lại thở máy. Tuy nhiên, đến 1h sáng 8/4, bệnh nhân xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim, may mắn được các bác sĩ theo dõi sát sao, hội chẩn xuyên đêm để cứu thành công bệnh nhân này qua cơn nguy kịch. Thậm chí, có lúc bác sĩ đã "đặt lên bàn cân" xem xét đặt lại ECMO cho bệnh nhân này.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến khả quan hơn, dần dần bỏ thuốc vận mạch, tập cai dần máy thở. Hơn 10 ngày trước, bệnh nhân được đánh giá phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.
Bệnh nhân 161 là cụ bà 88 tuổi quê Hưng Yên. Bệnh nhân mắc COVID-19 sau thời gian điều trị xuất huyết não tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (BN 161)
Bệnh nhân được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) hôm 25/3, với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái.
3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, nữ bệnh nhân này phải thở ô xy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó bệnh nhân được chỉ định thở máy.
Đến nay, bệnh nhân COVID-19 nhiều tuổi nhất Việt Nam này đã trải qua khoảng 30 ngày phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Ngoài bệnh nền là xuất huyết não, liệt cứng nửa người trái, bệnh nhân còn phát hiện bị tăng huyết áp.
Hiện bệnh nhân còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua, bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy; Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường; Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm.
Dù không có biểu hiện xuất huyết nhưng chỉ điểm đông máu của bệnh nhân còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước.
Trong cuộc Hội chẩn quốc gia đối với các bệnh nhân nặng mới đây nhất, các chuyên gia hàng đầu về Hồi sức tích cực, cấp cứu, truyền nhiễm... đánh giá bệnh nhân tiên lượng nặng, thống nhất với điều trị hiện tại. Đồng thời, các chuyên gia đề nghị cấy virus nếu kết quả âm tính có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tiếp phục hồi tai biến mạch máu não.
Cập nhật đến chiều ngày 1/5, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 161 đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
>>> Xem thêm video: Không có bằng chứng người khỏi bệnh COVID-19 không tái nhiễm
Theo Tiền Phong